Đi qua quốc lộ 2, đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Phúc, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy một túp lều đơn sơ với biển hiệu chữ thập “Nơi sơ cấp cứu”của đội xe nhân đạo Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây chính là nơi tụ họp của các thành viên đội xe ôm sau mỗi chuyến xe đi về.
Nói về quá trình thành lập đội xe, anh Nguyễn Hữu Đào, Đội trưởng “Đội xe ôm an toàn” thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên cho biết: Địa bàn huyện Bình Xuyên là khu vực thường xảy ra va quệt, tai nạn giao thông, an ninh trật tự phức tạp vì là ngã tư giao nhau với quốc lộ 2 chạy qua.
Nhiều lần chứng kiến cảnh tai nạn giao thông, anh cùng các anh em chạy xe ôm khác đã bảo nhau giúp đỡ những người không may bị tai nạn giao thông.
Anh Nguyễn Hữu Đào cho biết thêm: “Đội xe ôm an toàn” gồm 15 thành viên là những người hành nghề xe ôm trên địa bàn thị trấn Hương Canh và các xã lân cận. “Đội xe ôm an toàn” được chia làm hai tổ, mỗi tổ phân thành nhiều nhóm nhỏ đứng chốt ở 4 đầu ngã tư thị trấn Hương Canh giao với quốc lộ 2.
Bất kể lễ, Tết, ngày nghỉ, ngày hay đêm các thành viên trong đội theo sự phân công hoạt động vẫn bám chốt, vừa hành nghề “xe ôm”, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình, vừa kiêm nhiệm vụ đưa nạn nhân đi cấp cứu khi có tai nạn giao thông. Anh Đào cho biết: “mỗi khi có tai nạn là ngay lập tức người dân gọi cho chúng tôi, điều này phần nào thể hiện sự tin tưởng đối với đội”.
Cuộc sống của các thành viên trong “Đội xe ôm an toàn” còn nhiều khó khăn, hằng ngày họ vẫn phải lo miếng cơm manh áo, nhưng khi có người gặp nạn họ sẵn sàng gác lại mọi việc để giúp đỡ mà không mong ngày được trả ơn.
Anh Nguyễn Hữu Đào, Đội trưởng "Đội xe ôm an toàn" cho biết, những ngày đầu khi đội vừa thành lập, tai nạn thường xuyên xảy ra nên các thành viên của đội chở người bị nạn đi cấp cứu liên tục.
Lật cuốn sổ cẩn thận ghi chép ngày tháng, tên tuổi nạn nhân của từng vụ tai nạn mà anh và các thành viên trong đội cứu giúp, những lời cảm ơn viết tay của các nạn nhân, anh Đào kể, có nạn nhân được anh cứu cách đây 5 năm, đã sang Nga định cư nhưng Tết nào cũng gọi điện về cảm ơn và chúc mừng đội.
"Đội xe ôm an toàn" có 7 thành viên là nữ. Các chị đảm nhận công việc sơ cứu nạn nhân bị tai nạn. Không phải tất cả các thành viên đều làm nghề xe ôm, có người là lái xe tải, có người bán hàng rau ở chợ... nhưng cùng có điểm chung là tấm lòng “tương thân, tương ái”. Mọi người thay phiên nhau trực ở ngoài lán cả ngày đêm, bất cứ khi nào có tai nạn là đi không kể nắng mưa hay ngày lễ tết.
Chị Nguyễn Thị Liên, thành viên của "Đội xe ôm an toàn" nhớ lại: Đêm 29 Tết năm 2011, khi đang chuẩn bị ăn cơm, chị nhận tin có tai nạn. Không kịp suy nghĩ, chị liền gọi cho anh em trong đội rồi chạy ra ngoài khu vực xảy ra tai nạn. Nạn nhân là hai mẹ con chị Lê Thị Hoa và cháu My 8 tuổi ở Đoan Hùng (Phú Thọ) bị mất lái lao xe xuống bờ sông.
Chị Liên cùng anh em trong đội không ngại cái rét lao xuống sông cứu hai mẹ con chị đưa lên bờ băng bó, lau rửa vết thương và đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu.
Để hoạt động đạt hiệu quả và góp phần giảm thiểu hậu quả đáng tiếc từ các vụ tai nạn giao thông, "Đội xe ôm an toàn" đã xây dựng kế hoạch cụ thể với quy chế hoạt động rõ ràng, cam kết về các điều đội viên không được làm, đồng thời phối hợp với các cơ quan trên địa bàn huyện như công an, bệnh viện… để khắc phục và giải quyết hậu quả của các vụ tai nạn giao thông.
Ngoài ra, các thành viên đều được tập huấn những kỹ thuật sơ cấp cứu ban đầu để sẵn sàng giúp đỡ, sơ cấp cứu tại chỗ và tải thương đến cơ sở y tế gần nhất, hướng dẫn quy trình bảo vệ hiện trường, tài sản nạn nhân. Đội còn tự nguyện đóng góp để mua thêm các trang thiết bị sơ cấp cứu như đồ bơi, lặn, bông băng, ống thở...
Không chỉ tham gia sơ, cấp cứu, giúp đỡ người gặp tai nạn giao thông, "Đội xe ôm an toàn" thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, thăm hỏi, giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn...
Hàng ngày, các thành viên trong “Đội xe ôm an toàn” vẫn rong ruổi đều trên khắp các nẻo đường để mưu sinh. Cuộc sống khó khăn, vất vả là vậy nhưng họ vẫn gác lại để giúp đỡ những người bị nạn mà không mong được trả ơn. Bởi lẽ, tấm lòng của họ xuất phát từ chính trái tim nhân ái vì cộng đồng.