Từ Tỉnh lộ ĐT843 rẽ vào con hẻm cụt thuộc ấp K10, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông, chiếc xe ba gác đầy ắp rau quả có căng dòng chữ “Chuyến xe 0 đồng” được viết tay ngay ngắn “báo thức” người dân bằng tiếng loa “Đây là chuyến xe 0 đồng của đoàn thanh niên xã Phú Hiệp ủng hộ thực phẩm cùng bà con chống dịch COVID-19, mời bà con ra nhận rau. Bà con ra nhận rau nhớ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn”.
Anh Quách Thế Tùng, thành viên nhóm “shipper áo xanh” xã Phú Hiệp cho biết, là xã thuần nông, đời sống người dân còn khá khó khăn, trong hoàn cảnh giãn cách xã hội, bằng kinh phí vận động và nguồn hàng hỗ trợ, chuyến xe sẽ xoay vòng tất cả các ấp theo lộ trình cố định. Đặc biệt, đối với những nơi giao thông không thuận tiện, sẽ có lực lượng phụ trách vận chuyển bằng xe máy đưa rau củ, quả và nhu yếu phẩm cho người dân.
Anh Tùng thông tin, vào 15 giờ mỗi ngày, với 28 thành viên được phân chia thành nhiều tổ, nhóm. Theo đó, khi được người dân hỗ trợ nguồn nông sản, từng tổ nhóm sẽ tự tay thu hoạch nông sản, sau đó tập kết, phân loại và chia thành các túi nhỏ. Từ 7 giờ đến 11 giờ 30 mỗi ngày, lực lượng thanh niên trong vai các "Shipper áo xanh" tập hợp khởi hành "chuyến xe 0 đồng", chạy đến tận các ngõ giao từng túi nông sản cho hộ dân nếu có nhu cầu. Trung bình mỗi ngày, "chuyến xe 0 đồng" hỗ trợ từ 450 - 500 kg rau củ quả các loại.
Không chỉ có rau, củ quả nhà vườn, chuyến xe còn có cả gạo, mì gói, nước tương,… giúp người dân vượt qua khó khăn. Ông Dương Văn Chúng, 74 tuổi ngụ ấp K10, xã Phú Hiệp xúc động nói, “từ khi thực hiện ở yên trong nhà, hai vợ chồng già lo lắng chuyện mua rau củ, thịt, cá cùng các nhu yếu phẩm cho bữa ăn hằng ngày. May mắn, có các cháu thực hiện “chuyến xe 0 đồng” đưa hàng hóa đến tận nhà. Bà con không phải tốn tiền, không phải ra khỏi nhà mùa dịch, điều này vô cùng quý”.
Trong khi đó, tại xã cù lao Long Khánh B (huyện Hồng Ngự), anh Nhan Hữu Lộc, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, từ ngày 14/7 đến nay, có 6 hội viên Hội Nông dân xã thu hoạch hơn 4,4 tấn cá tra, rô phi hỗ trợ nguồn hàng duy trì “gian hàng 0 đồng” của xã. Nói là “gian hàng” nhưng ngay sau khi thu hoạch, các lực lượng tình nguyện sẽ cùng nhau chia cá thành các phần, trọng lượng 0,8 - 1kg. Sau đó, “nhóm vận chuyển” gồm 6 người đảm nhận nhiệm vụ mang đến từng nhà người dân.
Anh Lộc giải thích, do ảnh hưởng dịch, nhiều nông dân trồng rau, củ và nuôi cá trên địa bàn gặp khó về đầu ra; trong khi đó, người dân trong xã cũng gặp không ít khó khăn khi đi chợ mua lượng thực, thực phẩm, đặc biệt là nguồn thu nhập cũng eo hẹp. Thấu hiểu khó khăn “2 bên”, sau khi vận động nguồn kinh phí, địa phương đã mua cá, rau của nông dân với giá vừa phải, sau đó hỗ trợ người khó khăn. "Đa số nông dân vừa bán rẻ vừa cho, có người cho cả ao cá, cho cả vườn rau. Người có của cho của, người thì giúp công cùng nhau làm", anh Lộc nói.
Ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát huy tinh thần tương thân tương ái, không bỏ ai ở lại phía sau, các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể đã kịp thời thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 như đường dây nóng 1022, đường dây nóng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; đường dây nóng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận, xử lý thông tin về sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh; thành lập các đội hình “shipper áo xanh”... Đặc biệt, các “gian hàng 0 đồng” được chuyển sang hình thức hoạt động phù hợp “chuyến xe 0 đồng” trong điều kiện giãn cách xã hội. Điều này vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân, cũng là biện pháp giúp bà con chung lòng phòng dịch hiệu quả.
Bên cạnh công tác dập dịch và truy vết, tăng tốc làm sạch các vùng dịch, ổ dịch, giữ vững các vùng an toàn,... Đồng Tháp luôn chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đồng hành, quan tâm và chia sẻ đến người nghèo, người khó khăn. Trên tinh thần đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, tổ nhân dân tự quản tại địa phương tiếp tục rà soát những trường hợp khó khăn, để có những hình thức hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào ở trên địa bàn tỉnh không có đủ lương thực, thực phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội - ông Lê Thành Công cho hay.