Khi tìm đến nhà ông, người thân của ông Hải cho biết ông đang ở ngoài Khu Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển (khu vực biển Cồn Bửng, xã Thạnh Hải) để thắp hương cho đồng đội và xem các công trình đã làm đến giai đoạn nào.
Ông Hải cho biết, cách đây 57 năm, cũng vào những ngày cuối tháng 8/1961 lúc ấy ông 21 tuổi, ông đã tham gia Hải quân, đơn vị đóng trên con tàu gỗ hiệu 106NB (số ký hiệu của ta), neo đậu gần cầu Cồn Tra (gần Khu Di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển hiện nay).
Ông Hải cho biết, nhân lúc biển động mạnh, tàu ra khơi để ra miền Bắc vận chuyển vũ khí vào Nam, bởi những thời điểm như vậy tàu địch sẽ không dám ra khơi. Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đối mặt biết bao nguy hiểm, cuối cùng, tàu cập bến Hà Tĩnh. Ông cùng đồng đội ra Hà Nội học tập và được gặp Bác Hồ.
Ông Hải đã cùng đồng đội 12 lần vận chuyển vũ khí thành công chi viện cho chiến trường miền Nam hàng trăm tấn vũ khí. Ông Hải kể có lần thực hiện vận chuyển vũ khí chuyển về điểm ở Bến Tre nhưng do lúc nào địch cũng theo dõi, tàu không cập bến được mà phải liên tục thả lưới đánh cá, rồi di chuyển xuống tận Cà Mau để tránh truy đuổi sau đó mới về lại Bến Tre.
Đặc biệt, tàu lúc nào cũng cài sẵn hơn 200 kg thuốc nổ, nếu bị phát hiện phải cho hủy tàu để đảm bảo đường dây vận chuyển không bị lộ. Nếu gặp sự cố đối đầu với địch, số vũ khí đó có thể chống trả lại tàu của địch. "Với quyết tâm bảo vệ “đường mòn” vận chuyển vũ khí trên biển, mọi người chấp nhận hy sinh, cho đến khi giải phóng địch vẫn không phát hiện đường dây vận chuyển vũ khí trên biển của ta", ông Hải nói.
Hòa bình lập lại, năm 1978, ông Hải trở về vùng đất Thạnh Hải để khai hoang, phát triển kinh tế. Với ý chí, quyết tâm của người lính cụ Hồ, ông cùng người dân nơi đây phủ xanh miền biển mặn, mang về những mùa bội thu với cây xoài tứ quí, dưa hấu và cây sắn… Đây các loại cây trồng chính đưa người dân thoát nghèo.
Ngoài ra, ông cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, kêu gọi người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, nhất là xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Nhờ có đường giao thông thuận tiện, các nông sản như xoài, dưa hấu hay sắn đến vụ thu hoạch có thương lái đến tận vườn mua thu mua và chở đi. Khách du lịch xuống biển Thạnh Hải cũng ngày càng nhiều. Vùng đất này đang thay da đổi thịt từng ngày.
Ông Hải còn cùng các thành viên trong Hội Cựu chiến binh xã giúp đỡ hội viên khó khăn phát triển kinh tế với mô hình “5+1” (5 hộ khá, giàu giúp đỡ một hộ nghèo phát triển kinh tế) mang lại hiệu quả thiết thực, giúp hội viên trong xã vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, ông Hải làm thủ tục, đứng ra bảo lãnh cho người dân trong ấp để họ tiếp cận nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển kinh tế.
Anh Trần Văn Em, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú cho biết gia đình anh nhờ ông Hải làm giúp hồ sơ vay vốn dành cho hộ gia đình chính sách nghèo. Từ nguồn vốn trên, anh mua bò, lưới đánh bắt cá, giờ đây gia đình anh đã thoát nghèo.
Ông Lê Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú nhận xét: "Địa bàn huyện hiện nay chỉ còn ông Hải là nhân chứng sống tham gia những chuyến đi của tàu không số năm xưa. Tuy ở tuổi xưa nay hiếm (78 tuổi), ông Hải vẫn nhiệt tình với công tác hội, thường xuyên tham gia tuyên truyền, kể chuyện về truyền thống cách mạng của địa phương, nhất là chiến công hiển hách của đoàn tàu không số năm xưa cho thế hệ trẻ và du khách đến tham quan tại Thạnh Hải".