Cùng được trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018 với Giáo sư Đàm Thanh Sơn là 2 nhà khoa học Ấn Độ và Trung Quốc đều đang làm việc tại Mỹ. Ba nhà khoa học đã sử dụng vốn kiến thức rộng lớn của mình về các lĩnh vực như khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để hiểu thêm về các hệ thống nhiều bộ phận nhằm chứng minh giá trị của phương pháp đa ngành.
Giáo sư Đàm Thanh Sơn là người đầu tiên hiểu rằng tính hai chiều của trọng lực có thể được sử dụng để giải quyết các câu hỏi cơ bản trong tương tác các vấn đề nhiều phần.
Giám đốc ICTP, ông Fernando Quevedo nhận xét: “Các nhà khoa học được huy chương Dirac năm nay đều là người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp đa ngành trong việc trả lời các câu hỏi vật lý lý thuyết nền tảng. Dù những người đạt giải đều đang sống tại Mỹ, tôi vui mừng trước việc họ đều đến từ các nước đang phát triển”. Ông ca ngợi ba nhà khoa học được vinh danh năm nay đều là những tấm gương sáng cho hàng nghìn nhà khoa học đến từ những quốc gia đang phát triển.
Huy chương Dirac không chỉ là vinh dự cho cá nhân Giáo sư Đàm Thanh Sơn mà còn là vinh dự cho cả nền khoa học Việt Nam. Những gì mà Giáo sư Đàm Thanh Sơn đã đạt được chứng tỏ người Việt Nam có thể vươn tới những khám phá cơ bản, hiện đại, đỉnh cao, chứ không chỉ dừng lại ở những tìm tòi vụn vặt, miễn là được dồn hết tâm trí cho nghiên cứu, làm việc trong môi trường khoa học tiên tiến, sôi động.
Không phải chỉ đến khi cái tên Đàm Thanh Sơn được xướng lên hôm 8/8 vừa qua nhờ công trình nghiên cứu độc lập về cơ học lượng tử ảnh hưởng lên hệ nhiều vật, thì người ta mới biết đến ông. Người con ưu tú của thủ đô Hà Nội đã nổi tiếng từ lâu không chỉ trong giới học thuật tại Mỹ, mà còn được coi là một trong các nhà vật lý hàng đầu thế giới hiện nay.
Sinh năm 1969 trong một gia đình trí thức có bố là giáo sư dược học, mẹ là phó giáo sư sinh hóa, ngay từ nhỏ, Đàm Thanh Sơn đã sớm bộc lộ tư chất của một thần đồng trong các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là toán học.
Năm 1984, khi mới 15 tuổi, ông đã đoạt huy chương vàng ngay trong lần đầu tham dự Olympic Toán quốc tế với số điểm tuyệt đối. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng cuộc đời ông lại rẽ sang ngả khác khi chỉ một năm sau đó, ông sang Moskva theo học chuyên ngành vật lý tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, ngôi trường danh tiếng nhất Liên Xô thời bấy giờ.
Lý giải cho quyết định này, có người cho rằng ông chịu ảnh hưởng của người chú ruột là nhà giáo ưu tú Đàm Trung Đồn, vị giáo sư liên tục dẫn dắt đội tuyển Việt Nam tham dự các kỳ thi vật lý quốc tế, mang về rất nhiều vinh quang về cho đất nước. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một phần lý do như ông từng bộc bạch.
Càng học lên, ông lại càng thấy chính vật lý mới là môn khoa học có sức cuốn hút kỳ lạ, trở thành niềm đam mê lúc nào không hay. Mơ ước của ông là trở thành một nhà vật lý lý thuyết lỗi lạc.
Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được giữ lại trường và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ năm 25 tuổi. Sau khi Liên Xô sụp đổ, theo lời khuyên của người thầy, giáo sư Valery Rubakov, Giám đốc Viện Nghiên cứu hạt nhân Moskva, ông tới Mỹ, nơi có điều kiện nghiên cứu khoa học hàng đầu thế giới. Tại đây, tài năng của ông có dịp nở rộ.
Ban đầu, ông tham gia nghiên cứu khoa học tại Đại học Columbia (New York), rồi làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Washington (Seattle) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Boston). Giai đoạn 1999-2002, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Columbia, học giả ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Mỹ).
Từ năm 2002, ông làm giáo sư tại khoa Vật lý Đại học Washington, học giả cao cấp tại Viện Vật lý Hạt nhân trực thuộc đại học này. Tháng 9/2012, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Chicago và năm 2014 là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ, được bầu là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ.
Với trên 120 công trình nghiên cứu được công bố cho đến nay, trong đó có những công trình được đánh giá là "tạo ra những bước đột phá trong các lĩnh vực nghiên cứu" như khám phá về mô hình lỗ đen lỏng trong không gian 10 chiều được ông và 2 cộng sự công bố trên tạp chí danh tiếng Physical Review Letters năm 2005, gây tiếng vang trong giới bác học chuyên sâu.
Dù rất thành đạt ở nước ngoài, nhưng Giáo sư Đàm Thanh Sơn luôn gắn bó với quê hương. Ông nhiều lần về nước tham dự hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” cùng với nhiều nhà vật lý nổi tiếng thế giới (lần đầu tiên vào năm 1993); tham gia ban giám khảo, ban tổ chức các cuộc thi toán, vật lý quốc tế tại Việt Nam. Dù ở bất cứ đâu, ông cũng đều cố gắng dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ cho ngành vật lý Việt Nam, tạo điều kiện đưa nhiều sinh viên Việt Nam đến học tập ở Mỹ cũng như các nước có nền khoa học tiên tiến khác.
Với những thành quả đạt được, Giáo sư Đàm Thanh Sơn thực sự là nguồn cảm hứng không chỉ cho đội ngũ lưu học sinh, trí thức Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Mỹ và các nước trên thế giới, mà còn cho thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, là nguồn động lực để họ nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập, chinh phục các đỉnh cao trí tuệ của nhân loại, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.