Cùng với sự động viên của gia đình và đồng hành của các cấp, ngành, anh đã vươn lên ổn định cuộc sống, vừa phát triển kinh tế vừa giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.
Quá khứ lỗi lầm
Sinh ra trong gia đình có bốn chị em ở huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa), năm lên 10 tuổi, Phạm Văn Lương theo cha mẹ đi kinh tế mới vào tỉnh Đắk Lắk sinh sống. Cuộc sống của những năm đầu mới định canh định cư còn bộn bề khó khăn. Do đó, học hết lớp 5, Lương nghỉ học để phụ cha mẹ làm nương rẫy. Năm 17 tuổi, Lương học nghề mộc. Được một thời gian, anh theo một số đối tượng sang tỉnh Gia Lai để khai thác gỗ trái phép. Trong một lần, cả nhóm vận chuyển gỗ đã bị lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ gỗ và phương tiện. Sau đó, cả nhóm đã tổ chức cướp gỗ và bị lực lượng chức năng bắt giữ. Năm 2012, Phạm Văn Lương bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam về tội “Cướp tài sản”.
Do cải tạo tốt, Phạm Văn Lương được đặc xá ra tù trước thời hạn 4 tháng. Sau khi trở về gia đình, vừa mặc cảm, tự ti, vừa muốn kiếm tiền theo cách nhanh nhất vì “bạn bè cùng trang lứa đã có nhà, có xe, cuộc sống ổn định”, Lương không làm nghề mộc mà đi làm bảo kê. Ngày 25/8/2018, chưa đầy một năm sau khi ra tù, Lương bị Công an huyện Krông Búk bắt giữ vì hành vi bảo kê thu mua nông sản; sau đó bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 2 năm tù giam vì tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Anh Lương cho biết, những ngày bị tạm giam ở Công an huyện Krông Búk, lãnh đạo và cán bộ đơn vị đã động viên, định hướng, khuyên nhủ anh sau khi chấp hành án xong quay về làm nghề mộc để kiếm sống. Lần thứ hai bước vào lao lý, anh luôn tự trách, dằn vặt và mòn mỏi chờ ngày được tự do. Tháng 8/2020, sau khi mãn hạn tù, anh về địa phương và quyết tâm làm ăn lương thiện.
Nghĩ lại những tháng ngày tuổi trẻ của mình, Lương tâm sự, sai lầm tuổi trẻ khiến anh phải trả giá đắt với hơn 7 năm xa gia đình, mất quyền tự do. Các bạn trẻ hãy dừng lại những cuộc chơi không lành mạnh. Những người sau khi chấp hành án không nên bi quan, cần quyết tâm làm lại từ đầu.
Gieo hạt lành
Với nguồn vốn 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cùng số tiền gia đình hỗ trợ, cuối năm 2020, anh Lương mở xưởng mộc nhỏ. Ban đầu, anh thu mua gốc cây cà phê, cao su về khắc, chạm đồ mỹ nghệ để bán. Dần dần, anh mở rộng quy mô xưởng mộc với hai cơ sở, vừa trưng bày, kinh doanh vừa chế tác với vốn điều hành hiện nay hơn 1 tỷ đồng.
Đồng cảm với những người khao khát tìm lại chính mình sau vấp ngã, anh Lương tạo điều kiện cho thanh niên hoàn lương đến xưởng mộc học nghề với mức lương mỗi người từ 6 - 7 triệu đồng/tháng và từ 12 - 15 triệu đồng/tháng khi đã vững tay nghề, làm thợ. Hiện nay, xưởng mộc của anh Lương đang tạo việc làm cho 6 thanh niên hoàn lương.
Triệu Văn Dương (sinh năm 1997, trú thôn Nam Anh, xã Chư Kbô, huyện Krông Búk) từng bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 2 năm tù giam vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” (tháng 12/2018). Trong những ngày bế tắc, chán nản, Dương đã gặp và được anh Lương vận động đến xưởng mộc học nghề. Đến nay, Dương đã là thợ chính của xưởng, có nghề và có thu nhập phụ giúp vợ con. Dương chia sẻ, nhờ có anh Lương động viên, Dương tự tin hơn, quyết tâm không quay lại con đường lầm lỗi. Không chỉ mình Dương, anh Lương còn coi các anh em hoàn lương như người thân, vừa tạo việc làm, vừa cảm hóa, giúp mọi người có ý chí làm lại cuộc đời để bù đắp cho vợ con, ổn định cuộc sống. Anh Lương vừa khuyên bảo vừa là tấm gương để các thanh niên hoàn lương noi theo.
Chia sẻ về dự định sắp tới, Phạm Văn Lương cho biết: Anh sẽ tiếp tục đầu tư cho xưởng mộc, tạo thêm nhiều cơ hội học nghề và việc làm cho thanh niên hoàn lương; đồng thời, cố gắng chăm sóc 2 ha rẫy để thêm nguồn thu nhập. Theo anh Lương, sự khoan hồng của Nhà nước cùng sự giúp đỡ, quan tâm của các cấp, các ngành luôn dành cho những người nhận ra sai lầm và nỗ lực khắc phục, sửa sai. Đó cũng là động lực, là niềm tin giúp anh vực dậy cuộc đời, giữ lửa gia đình và có xưởng mộc như ngày nay.
Tại huyện Krông Búk, sau khi các đối tượng phạm tội, tái phạm tội chấp hành xong án trở về địa phương, Công an huyện thường xuyên gặp gỡ, động viên, tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng. Nhờ đó, tỷ lệ tái phạm tội ở huyện hiện nay là 0,008% và luôn duy trì ở mức thấp trong những năm qua. Nhiều người đã hoàn lương, hướng thiện tốt, trở thành điển hình tiên tiến trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng như anh Phạm Văn Lương.
Trung tá Y Phia Mlô, Phó đội trưởng Đội Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an huyện Krông Búk cho biết, đối với thanh niên hoàn lương, Công an huyện vừa gặp gỡ, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình, vừa đề xuất chính quyền địa phương quan tâm, khích lệ, tạo điều kiện cho vay vốn từ cơ sở; đồng thời, thường xuyên tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong tái hòa nhập cộng đồng. Trung tá Y Phia Mlô hy vọng, các cấp, ngành xem xét, tạo thêm nhiều nguồn vốn cho người hoàn lương vay; các doanh nghiệp tạo điều kiện về việc làm, cơ hội học nghề cho thanh niên hoàn lương.
Với anh Phạm Văn Lương, sự đồng hành của gia đình, của các ban, ngành chức năng cùng sự khoan hồng của Nhà nước đã kịp thời, đúng lúc để anh hướng thiện, chăm chỉ làm ăn, gây dựng sự nghiệp. Đồng thời, hành động tạo việc làm cho những người lầm lỗi trở về của anh Lương đã gieo nên những hạt lành để nhân lên những nghị lực, niềm tin cùng nhau vượt qua quá khứ, trở thành người có ích cho xã hội.