92 năm Ngày thành lập Đoàn:

Hình thành lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và làm kinh tế giỏi

Để triển khai phong trào khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo lập môi trường thuận lợi hỗ trợ, cổ vũ, thúc đẩy đoàn viên, thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chú thích ảnh
Anh Quàng Văn Vân (giữa) ở bản Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây xoài cho đoàn viên thanh niên. 

Đến thăm mô hình nuôi cá của anh Nguyễn Văn Trưởng (Bản Hua Bó, xã Mường Bú, huyện Mường La) ai cũng thấy anh là một thanh niên dám nghĩ, dám làm, được nhiều người tìm đến học hỏi, làm theo. Với những kinh nghiệm có được từ thực tiễn, anh Trưởng đã chủ động tìm hiểu, học hỏi thêm qua các kênh thông tin trên báo, Internet, cũng như các nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản khác trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, cùng với nguồn vốn tích lũy được, anh Trưởng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường La để phát triển mô hình nuôi cá giống, cá thương phẩm kết hợp với phát triển dịch vụ câu cá giải trí trên diện tích  9.000 m2; trong đó, 8 ao cá thương phẩm và 5 ao ươm cá giống đã mang lại thu nhập cao, ổn định. Mỗi năm, mô hình của anh cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn cá giống và 12 tấn cá thương phẩm; hàng tháng thu hút gần 200 lượt khách đến câu cá giải trí và dịch vụ ăn uống. 

Anh Nguyễn Văn Trưởng chia sẻ: Sau khi đi vào hoạt động ổn định, bình quân một năm thu lợi nhuận khoảng hơn 300 triệu đồng. Sắp tới, anh sẽ mở rộng quy mô diện tích ươm nuôi cá, tạo thêm việc làm, thu nhập cho lao động ở địa phương. Ngoài ra, anh tích cực tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ nhiều thanh niên địa phương có nhu cầu học tập, phát triển mô hình để cùng nhau phấn đấu đi lên, ổn định đời sống. 

Tại Bản Mo, xã Chiềng Sàng, huyện Yên Châu, đoàn viên Quàng Văn Vân đã mạnh dạn phát triển mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi bò nhốt chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Quàng Văn Vân cho hay: Trước đây, anh theo học chuyên ngành chăn nuôi. Vì vậy, khi tốt nghiệp ra trường, anh đã chọn mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng làm hướng phát triển kinh tế. Sau khi vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh đã tìm mua bò về nuôi vỗ béo. Vừa qua, anh đã xuất bán hơn 20 con bò, bình quân thu lãi hơn 120 triệu đồng/năm. Từ nguồn vốn tích lũy được, anh tiếp tục đầu tư vào trồng cây ăn quả, trên diện tích 1,2ha. Mỗi năm anh thu hoạch được 7 tấn - 8 tấn xoài, hơn 10 tấn mít, gần 10 tấn bưởi, thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Anh nhẩm tính niên vụ 2023, các loại cây ăn quả của gia đình sẽ cho sản lượng cao hơn, với giá bán ổn định như năm 2022 sẽ cho lãi từ 250 triệu đồng - 300 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân CSXH huyện Yên Châu và đoàn viên thanh niên xã Chiềng Sàng tham quan mô hình nuôi bò nhốt chuồng của anh Quàng Văn Vân. 

Mô hình nuôi cá của anh Nguyễn Văn Trưởng, mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc và chăn nuôi bò nhốt chuồng của đoàn viên Quàng Văn Vân chỉ là hai trong số những mô hình, hoạt động có hiệu quả trong "lập thân, lập nghiệp", nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên Sơn La. Trong những năm qua, Tỉnh đoàn Sơn La đã đẩy mạnh phong trào học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin vào sản xuất. Việc đồng hành với thanh niên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đã từng bước tạo được đồng thuận xã hội, khuyến khích thanh niên không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong lao động, học tập để phát triển tài năng; tích cực duy trì có hiệu quả các mô hình, câu lạc bộ tại các Chi đoàn và Đoàn trực thuộc, tạo môi trường để đoàn viên, thanh niên xác định được động cơ, mục đích học tập đúng, đi đầu trong xây dựng, phát triển quê hương.

Một trong những hoạt động có hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên, thanh niên là việc thực hiện phong trào "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp". Đoàn các cấp trong tỉnh đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên trong việc chọn ngành nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của xã hội; phối hợp với các ngành liên quan tìm kiếm các nguồn lực giúp cho thanh niên được vay vốn ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, nhiều thanh niên đã được giúp sức, đứng ra vay vốn qua các kênh Ngân hàng cùng với huy động vốn tự có để đầu tư vào các ngành dịch vụ, thương mại, trồng trọt, chăn nuôi...

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Đức Cảnh (bên phải), bản Kim Sơn 2, xã Yên Sơn, huyện Yên Châu chia sẻ kỹ thuật chăm sóc cây mận cho đoàn viên thanh niên. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Năm 2022, toàn tỉnh đã triển khai hoạt động tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh trong học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông cho .808 đoàn viên, thanh niên; phối hợp và tổ chức giới thiệu việc làm cho 6.945 đoàn viên, thanh niên; hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho 17 công trình, đề tài, sản phẩm ứng dụng vào thực tiễn; duy trì hỗ trợ hoạt động hiệu quả đối với 30 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác do thanh niên làm chủ và 1 câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế... Đặc biệt, các Huyện đoàn, Thành đoàn tiếp tục làm tốt công tác phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội và các cơ quan chức năng trên địa bàn hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế; hỗ trợ đoàn viên, thanh niên vay vốn phát triển sản xuất, với tổng dư nợ ủy thác tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt trên 1.265 tỷ đồng, tại 948 Tổ vay vốn.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Sơn La Nguyễn Duy Dũng cho biết: Phong trào “Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn trong đời sống, tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào, chú trọng công tác phối hợp đào tạo nghề và chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay giải quyết việc làm, sản xuất kinh doanh, các gói hỗ trợ thanh niên, các nguồn vốn về xuất khẩu lao động. Đây là nguồn vốn vay rất hiệu quả, từ những nguồn vốn này đã có nhiều thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và nhân rộng những mô hình điểm thanh niên làm kinh tế giỏi.

Qua phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, có thể thấy trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hình thành lớp thanh niên dám mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, sống có lý tưởng, hoài bão trên con đường xây dựng phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Bài và ảnh: Quang Quyết (TTXVN)
Tuổi trẻ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia
Tuổi trẻ tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia

"Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số", là quyết tâm của tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò, thế mạnh của thanh niên tham gia chuyển đổi số, thực hiện ý chí, khát vọng phát triển đất nước trong những thập niên tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN