Năm 2014, sau khi đi cai nghiện thành công và trở về nhà, chị Nguyễn Thị Lợi (ở tiểu khu 5, xã Chiềng Sơn) quyết tâm làm lại cuộc đời. Với sự hỗ trợ từ mô hình Câu lạc bộ, cuộc đời chị đã bước sang trang mới. Nhờ sự động viên, giúp đỡ từ các đoàn thể trong xã, chị Lợi đã được vay nguồn vốn ưu đãi để cải tạo vườn tược, mua cây, con giống về gây dựng. Cuộc sống của gia đình chị đã có những đổi thay rõ nét.
Chị Nguyễn Thị Lợi chia sẻ: “Năm 2014, tôi trở về, cuộc sống lúc đó rất khó khăn. Con cái thì cũng chưa có việc làm. Khi đi vay, đi mượn người ta rất kỳ thị về vấn đề người đi cai nghiện về nên họ không dám cho vay, cho mượn. Nhưng nhờ có mô hình cảm hóa, tôi đã được vay vốn về để đầu tư phân bón và ghép cây nhãn. Đến nay, tôi có hơn 100 gốc cho thu hoạch và một số loại cây ăn quả khác”.
Nhắc lại những ngày chìm đắm với ma túy, anh Phạm Đức Chín (ở tiểu khu 2, xã Chiềng Sơn) vẫn không giấu được nỗi xót xa, chỉ vì sa vào con đường nghiện ma túy theo nhóm bạn xấu, bao nhiêu của cải trong nhà cứ thế đội nón ra đi, dù có cật lực lao động thì số tiền anh kiếm được cũng không đủ để anh mua ma túy sử dụng. Thiếu thuốc, cuộc sống khó khăn, con cái nheo nhóc, vợ chồng anh thường xuyên mâu thuẫn.
Sau khi cai nghiện về, anh Chín trắng tay. Muốn vay mượn anh em chòm xóm cũng khó vì họ sợ anh Chín vay tiền để “ngựa quen đường cũ”. Nhưng nhờ nguồn vốn vay 500 triệu đồng từ Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng”, anh đã có cơ hội “làm lại cuộc đời”. Đến nay kinh gia đình anh Chín thuộc diện hộ khá giả trong xã.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, khu chăn nuôi trải rộng gần 5 ha, anh Chín phấn khởi nói: “Được giúp đỡ, hỗ trợ của các thành viên câu lạc bộ tôi đã cai nghiện thành công và tập trung phát triển nông nghiệp. Hiện thu nhập bình quân của gia đình đạt 200 triệu đồng/năm, cuộc sống ổn định, con cái học hành đến nơi đến chốn”.
Từ năm 2012, xã Chiềng Sơn đã thành lập Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn, do lực lượng Công an và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã làm nòng cốt. Nhiệm vụ trọng tâm là phối hợp với các Ngân hàng, quỹ tín dụng tạo điều kiện tạo điều kiện cho người sau cai, người lầm lỡ trở về hòa nhập cộng đồng được vay vốn làm ăn phát triển kinh tế. Tính đến nay trên địa bàn xã Chiềng Sơn đã có gần 140 lượt người được vay vốn thông qua Câu lạc bộ này.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Chiềng Sơn Lê Thị Hồng cho biết, phần lớn những người lầm lỡ sau khi chấp hành xong án phạt tù hoặc cai nghiện tập trung trở về địa phương đều gặp khó khăn về kinh tế, không có việc làm và thu nhập, rất dễ đi lại con đường cũ. Vì thế, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã giúp đỡ những người lầm lỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương, nhà đại đoàn kết; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ cây, con giống, tiền mặt, giúp họ phát triển kinh tế, vượt qua mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời. Đến nay, thông qua câu lạc bộ đã có gần 3 tỷ đồng được cho vay; xây dựng 9 nhà Đại đoàn kết, trị giá 472 triệu đồng; giúp đỡ 8 con bò cho các hộ gia đình... Nhờ đó, hơn 350 người từng lầm lỡ đã vươn lên thoát nghèo, trong đó nhiều gia đình có mức sống khá giả.
Ông Lò Anh Đông, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mộc Châu đánh giá: Mô hình Câu lạc bộ “Cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ hòa nhập cộng đồng” đã giúp ổn định chính trị, đảm bảo an toàn xã hội trên địa bàn, tham gia xây dựng nông thôn mới. Mô hình này mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời, góp phần để người dân tham gia thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn dân cư để trở thành địa bàn an toàn, đảm bảo an ninh trật tự.