Nhiều vấn đề khúc mắc của các hội viên nông dân đã được lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên giải đáp.
Tại hội nghị, đại diện hội viên nông dân ở các địa phương trong tỉnh kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên và các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương những vướng mắc, bất cập trong tiêu thụ nông sản, chính sách hỗ trợ để khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, xử lý ô nhiễm môi trường vùng nông thôn, hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân...
Ông Nguyễn Văn Cảnh ở Phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên đặt vấn đề: "Trong bối cảnh hiện nay, giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao song giá bán lại thấp, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá, nhất là những sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố như cây nhãn, cây cam. Thời gian qua một số giải pháp đã được thực hiện song kết quả chưa như mong đợi của người dân. Đề nghị các cấp, các ngành có giải pháp mới hỗ trợ hiệu quả hơn?
Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Minh Tuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ động tham mưu với tỉnh và chỉ đạo tổ chức triển khai khá đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua các đề án, dự án; trong đó có các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, người trực tiếp làm nông nghiệp.
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nông nghiệp nhằm hỗ trợ người dân trong việc quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ, mở rộng thị trường phân phối. Cụ thể, năm 2021, đã hỗ trợ 2,7 tỷ đồng tổ chức các Hội nghị, hội thảo xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh; tham gia Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, nhà vườn tham gia các Hội chợ, triển lãm.
Năm 2022 này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ trên 3 tỷ đồng nhằm phát huy và đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại phù hợp, nâng cao hơn hiệu quả xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; phối hợp với các tỉnh, thành phố đưa các đoàn doanh nghiệp về kết nối, thăm vùng sản xuất tại tỉnh; đưa đoàn doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, nhà vườn trên địa bàn tỉnh đi tham quan, học tập mô hình ở các tỉnh, thành trên cả nước. Đồng thời, tổ chức các Hội nghị kết nối cung – cầu, kết nối trực tiếp người sản xuất với người thu mua, tạo môi trường để hai bên có thể trao đổi, chia sẻ. Từ đó có những định hướng thiết thực, hỗ trợ được sát và hiệu quả với nhu cầu thực tế, tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản thông qua các đề án, dự án, kế hoạch đã được duyệt.
Tại hội nghị, một số hội viên nông dân cũng đề nghị hệ thống ngân hàng, tổ chức Hội nông dân các cấp hỗ trợ nông dân được vốn vay ưu đãi với lãi suất thấp, tăng số vốn vay và các nguồn vốn vay đa dạng hơn.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Xuân - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hưng Yên cho hay, trong những năm qua ngân hàng đã cho vay tới các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm và xây dựng nông thôn mới. Căn cứ nhu cầu vay vốn của người dân, đặc biệt là nông dân trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã tích cực trình Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương bổ sung vốn, đồng thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh chuyển ngân sách ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay. Đến 30/11/2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Hưng Yên đang thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đạt hơn 3.469 tỷ đồng với gần 69.000 khách hàng còn dư nợ, tỷ lệ tăng 12,8% so với năm 2021.
Bà Nguyễn Thị Xuân cũng khẳng định, tiếp thu đề nghị của nông dân, trong thời gian tới Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Hưng Yên sẽ phối hợp với các sở, ngành tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án bổ sung nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2022-2025, đối ứng với nguồn vốn Trung ương để tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi
Ông Vũ Thanh Liêm - Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Hưng Yên cũng khẳng định, với phương châm “ Nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng vay, nông dân là khách hàng chính”, Agribank chi nhánh tỉnh Hưng Yên luôn hướng tới trở thành người bạn đồng hành thân thiết, hỗ trợ vốn đắc lực cho hộ nông dân vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, tạo nên những thành tựu nổi bật về sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian qua, Agribank chi nhánh tỉnh Hưng Yên đã triển khai, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng theo quy định của Chính Phủ, Ngân hàng Nhà nước, Agribank trong từng thời kỳ.
Liên quan đến các cơ chế chính sách hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên cho biết, do dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng tác động của môi trường, khả năng thu hồi vốn chậm nên số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Đến nay, trong tổng số 2.124 dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mới có khoảng 150 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này; triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh để phát triển, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp của từng vùng; thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận hợp tác kinh tế trục cao tốc phía Đông được ký kết giữa các tỉnh Hưng Yên – Hải Dương – Hải Phòng –Quảng Ninh để phát triển, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đặc biệt là trong chế biến nông sản và nông nghiệp công nghệ cao.
Ông Trần Quốc Văn Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, những ý kiến của cán bộ, hội viên nông dân sẽ được UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh cùng với các cơ quan chức năng giải quyết, làm rõ, nhằm tạo điều kiện tối đa “Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu” như chủ đề của hội nghị. Qua đó góp phần giúp người nông dân thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của gia đình và làm giàu cho quê hương.
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp; hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ; tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp. Các sở, ban, ngành tỉnh chủ động, tích cực tham mưu, hướng dẫn thực hiện, đánh giá hiệu quả thực tế các chính sách hiện hành của tỉnh; rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng đề nghị Hội nông dân tỉnh Hưng Yên trả lời bằng văn bản các kiến nghị của hội viên, nông dân tại Hội nghị đối thoại, đồng thời tập trung giải quyết những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và trong hệ thống tổ chức Hội. cùng với đó là tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.