Giờ đây, chị không chỉ có khả năng tự chăm lo cho bản thân mà còn tham gia công tác Hội người mù tỉnh Vĩnh Long để hỗ trợ người cùng cảnh ngộ.
Chị Nguyễn Thị Phóng đang hướng dẫn học trò khiếm thị học đàn. |
Chị Nguyễn Thị Phóng xuất thân trong gia đình có đến 11 anh chị, em. Chị chấp nhận đôi mắt khiếm thị vì gia đình nghèo khó, không có tiền chữa trị.
Ngày còn nhỏ, nghe mấy anh, chị trong nhà đi học là chị khóc hết nước mắt. Nhưng lớn hơn một chút, ý thức được mình khác với người ta nên chị không khóc nữa mà tìm cách khắc phục nhược điểm. Tranh thủ mỗi khi anh, chị học bài, chị ngồi kế bên, anh, chị học bao nhiêu là thuộc bấy nhiêu.
Gần 20 tuổi, lần đầu tiên chị mới tiếp xúc với các chữ cái. Đó là dịp tình cờ chị tâm sự với người chị họ về việc muốn học chữ nổi. Không có điều kiện cho chị học chữ nổi, người chị lấy giấy bìa cứng, tự tay cắt những chữ cái để chị học.
Từ việc học thuộc, nhớ hình dáng từng chữ cái, chị Phóng bắt đầu biết ghép vần, rồi dần dần biết ghép tên cha, tên mẹ. Rồi chị bắt đầu học chữ nổi từ một người bạn. Nhiều tháng ròng miệt mài luyện tập, chị Phóng đã thuộc nằm lòng từng nét chữ, từng cách viết.
Không chỉ học chữ, chị Phóng còn thử sức với việc học hát, học đàn. Với chất giọng ngọt ngào trời phú nên chị sớm tham gia Câu lạc bộ đờn ca tài tử xã Thới Hòa, huyện Trà Ôn.
Một dịp tình cờ, chị được người quen dạy cho học môn đàn tranh và gắn bó cho đến ngày hôm nay. Khoảng năm 2004, chị quyết tâm thi vào học ngành Nhạc dân tộc của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh.
“Trong một đợt tập huấn đờn ca tài tử, các thầy cô thấy mình ham thích, hát nghe cũng được nên động viên thi vào trường. Thầy cô nói học để có nghề lo tương lai. Đắn đo lời thầy cô mãi, mình cũng quyết định thi. Thế là nhờ mấy đứa cháu gần nhà đọc hết sách Văn lớp 9 rồi thu băng lại để nghe từ từ. Ròng rã mấy tháng trời cũng học xong hết kiến thức. Hồi đó phải nhờ giám thị viết bài, thực hành thì ôm cây đàn tranh mà ba, má dành dụm cả mùa lúa mới đủ tiền mua để dự thi. Gian nan là vậy, rồi cuối cùng cũng thi đậu vào trường”, chị Phóng chia sẻ.
Học ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Phóng tiếp tục phấn đấu để chăm lo cho cuộc sống. Hàng ngày, sau giờ học chị lại tìm đến các phòng trà để xin đàn, hát. Nhiều lần bị từ chối nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục.
Cuối năm 2009, sau 4 năm dài miệt mài phấn đấu chị cũng đã thực hiện được ước mơ của mình khi cầm được tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp loại giỏi.
Những ngày ở lại Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống bằng nghiệp cầm ca sau khi ra trường, chị tình cờ được giới thiệu tham gia đội bơi của đội tuyển thành phố.
Công việc mới khó khăn và vất vả nhưng chị vẫn kiên nhẫn chinh phục. Kết quả sau nhiều năm gắn bó với môn thể thao này, chị giành được 6 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc trong các giải thi đấu dành cho người khuyết tật thành phố và toàn quốc.
Tháng 2/2015, chị Phóng chính thức về nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội người mù tỉnh Vĩnh Long. Chị phụ trách công tác đưa người khiếm thị đi học nghề, tạo việc làm đồng thời hỗ trợ Câu lạc bộ âm nhạc người khiếm thị của Hội.
Hàng ngày, chị tích cực tham gia công tác Hội như đi tìm việc làm và vận động người khiếm thị tham gia học nghề, tìm nguồn vận động hỗ trợ người khiếm thị nghèo.
Ngoài việc tham gia công tác Hội, những ngày về lại quê nhà chị Phóng tiếp tục mang lời ca tiếng hát để đóng góp cho sự phát triển hoạt động văn nghệ của tỉnh. Chị tham gia và tạo điều kiện cho nhiều hội viên người mù cùng hoạt động văn hóa, văn nghệ.
Mới đây nhất chị giành Huy chương Vàng tại cuộc thi nghệ thuật quần chúng toàn quốc “Tiếng hát từ trái tim”; bạn Trần Thị Ngọc Tuyền (sinh năm 1990) - người học trò khiếm thị của chị Phóng cũng đạt giải Khuyến khích.
Tuyền chia sẻ: Cùng cảnh ngộ nên khi được Hội Người mù tỉnh Vĩnh Long giới thiệu theo chị Phóng để học bơi, học ca hát và hai chị em cưu mang nhau suốt bốn năm qua. Với sự hỗ trợ của chị Phóng, Tuyền cũng nhanh chóng học được nghệ thuật đàn tranh, biết ca hát rồi trở thành một vận động viên bơi lội. Bốn năm học bơi, Tuyền giành được hơn 10 huy chương các loại trong các giải đấu. Giờ đây, Tuyền cũng từ bỏ nghiệp thể thao theo chị Phóng về Vĩnh Long vừa tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người khiếm thị vừa tìm thêm nghề mới phù hợp với sức khỏe và năng lực của bản thân.
Với những sự phấn đấu không ngừng và những đóng góp cho phong trào công tác Hội Người mù, năm 2016, chị Nguyễn Thị Phóng đã nhận bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành tích Phụ nữ khuyết tật tiêu biểu; Bằng khen của Cục Bảo trợ xã hội biểu dương người khuyết tật tiêu biểu; bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long vì thành tích đóng góp cho phong trào công tác Hội.