Sinh năm 1987, sau khi học tốt nghiệp THPT, Hoàng Huy Tuấn ở thôn 3, thị trấn Cổ Phúc (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) tham gia xuất khẩu lao động tại Malaysia. Hai năm lao động vất vả bên xứ người mà cũng không tích cóp được nhiều, Tuấn trở về quê hương với quyết tâm làm giàu ngay chính trên mảnh đất của gia đình mình.
Sau khi nghiên cứu, học tập nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của thanh niên ở huyện, đến đầu năm 2010, anh quyết định đầu tư chuồng trại, phát triển nuôi gà thương phẩm. Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, nên mô hình chăn nuôi gà của gia đình anh phát triển rất hiệu quả.
Từ buổi đầu, với quy mô 150 con/lứa, đến nay, gia đình anh đã mở rộng lên 5.000 con. Năm 2014, gia đình anh bán được 5.000 con gà thịt, trừ chi phí, còn thu được trên 300 triệu đồng. Không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh, sản phẩm chăn nuôi của gia đình anh còn được xuất bán đi các chợ đầu mối ở Vĩnh Phúc, Hà Nội. Bên cạnh đó, anh còn giúp gần 20 bạn đoàn viên thanh niên của thị trấn và các xã lân cận về con giống, kỹ thuật chăn nuôi gà thương phẩm để phát triển sản xuất, đồng thời đứng ra giúp tiêu thụ sản phẩm gà thịt thương phẩm chăn nuôi được.
Đến nay, gia đình anh Tuấn đã có 3 khu chuồng trại chăn nuôi gà thịt, với tổng diện tích khoảng 500 m2. Anh Tuấn chia sẻ: “Việc phòng bệnh cho gà rất quan trọng, phải tiêm ngừa, cho uống thuốc, nếu thấy gà có dấu hiệu bị bệnh phải kịp thời cách ly để khỏi lây lan đến con khác. Vào lúc chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, hay mùa đông giá rét, cần cho ăn nhiều hơn và sưởi ấm kịp thời. Nước uống cũng phải sạch sẽ, không có nguồn bệnh và phải thay nước thường xuyên”.
Dự định của anh Tuấn là sẽ mở rộng chuồng trại và đàn vật nuôi lên số lượng 7.000 con gà thịt thương phẩm để đưa ra thị trường dịp cuối năm nay.
Bài và ảnh: Quyết Thắng