Lan tỏa hành động đẹp về môi trường của những 'chiến binh xanh'

Xuất phát từ mong muốn làm cho thành phố xanh, sạch hơn, nhất là lan tỏa thông điệp không xả rác, bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân, một số thanh niên sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đã lập nên nhóm Biên Hòa Xanh.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên nhóm Biên Hoà Xanh tham gia dọn rác thải tại rạch Cầu Sắc, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa, Đồng Nai.

Thời gian đầu, nhóm chỉ có 1 - 2 thành viên. Đến nay, sau hơn 4 tháng hoạt động, nhóm đã có khoảng hơn 100 thành viên, đều đặn vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần ra quân xử lý các điểm đen về rác thải.
 
Nhóm Biên Hòa Xanh ra đời và hoạt động từ tháng 7/2023. Đến nay, nhóm đã ra quân được hơn 20 chiến dịch, xử lý trên 10 tấn rác thải; thực hiện dọn dẹp vệ sinh ở 4 phường gồm: Quyết Thắng, Tân Tiến, Trảng Dài và Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa.
 
Anh Nguyễn Nhật Tuấn, Trưởng nhóm Biên Hòa Xanh cho biết, anh sinh sống ở phường Trảng Dài (thành phố Biên Hòa) nhưng làm việc ở TP Hồ Chí Minh. Trên tuyến đường đi làm hằng ngày, anh thấy có rất nhiều điểm rác thải tự phát, lâu ngày không thấy dọn, nhiều kênh mương gần như bị “bức tử” do rác. Do đó, anh nảy ra ý định tình nguyện dọn rác. Lúc đầu khi kêu gọi, chỉ có vài thành viên tham gia, sau đó, bằng những việc làm thiết thực, nhóm được nhiều người biết đến và đăng ký đồng hành.
 
Thông qua việc làm ý nghĩa này, anh Tuấn cùng các thành viên trong nhóm mong muốn lan tỏa thông điệp "hãy ngưng ngay việc xả rác bừa bãi" tới tất cả  mọi người. Rác thải sau khi xả ra, không được dọn dẹp, lâu ngày sẽ tích tụ lại, ngấm xuống lòng đất và chính con người sẽ lại sử dụng nguồn nước ô nhiễm đó. Đặc biệt, ở những kênh, rạch, rác thải lâu ngày sẽ là vật cản của dòng chảy, bốc mùi hôi thối và là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cứ mưa xuống là ngập lụt như hiện nay.
 
Anh Nguyễn Hồng Sơn, thành viên nhóm Biên Hòa Xanh cho biết, một lần vô tình nhìn thấy các bạn tình nguyện viên “trầm mình” dưới dòng suối đen đặc rác dọn vệ sinh, anh rất xúc động nên quyết định đăng ký tham gia nhóm. Lần đầu tiên tham gia, anh rất sợ khi phải lội xuống suối dọn rác. Tuy nhiên, thấy các bạn hăng hái làm việc, anh cùng xuống làm và dần dần quen với công việc.
 
“Mình tham gia với mục đích bảo vệ môi trường, song song đó là lan tỏa hành động để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, để các đoạn kênh, mương trên địa bàn thành phố không còn tình trạng nghẹt rác”, anh Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Thường xuyên phải tiếp xúc với rác thải, kênh rạch nhưng đồ bảo hộ, các biện pháp đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhóm Biên Hòa Xanh vẫn còn nhiều hạn chế. Chị Mai Thuý Quỳnh, phụ trách nhóm cho biết, hiện tại thành viên trong nhóm chưa được tiêm ngừa uốn ván, tả. Do đặc thù công việc, khi xuống dưới nước hoặc làm trên bờ, các bạn thường xuyên phải thu gom mảnh sành, kim tiêm, trong lúc làm việc không may dẫm phải là điều khó tránh khỏi. Thêm vào đó, đồ bảo hộ đều là đồ được tặng nên không hoàn chỉnh, nhiều cái bị thủng hoặc quá rộng, khi gặp những đoạn nước sâu là dễ bị tràn vào người gây khó khăn trong quá trình làm việc.

Chú thích ảnh
Hàng tấn rác được Các tình nguyện viên đưa lên bờ từ các kênh, rạch giúp khơi thông dòng chảy, hạn chế ô nhiễm môi trường. 

Nhiều khó khăn như vậy nhưng các thành viên vẫn không nản chí, nỗ lực làm việc hàng tuần với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường sống. Bạn Nguyễn Tiến Khang, thành viên nhóm chia sẻ, việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi người dân. Nhóm Biên Hòa Xanh nỗ lực làm việc không phải chỉ để làm sạch một nơi nào đó, mà là động lực để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chính mình.
 
Bà Phạm Thị Vân sống gần rạch Cầu Sắc, phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa. Bà cho biết, con rạch này nhiều năm nay đã bị tích tụ một lượng rác quá lớn khiến dòng chảy không được lưu thông. Nhóm Biên Hòa Xanh không ngại khổ, nạo vét dọn dẹp vệ sinh môi trường cho con rạch. Bà Vân mong các thành viên trong nhóm có nhiều sức khỏe, luôn giữ tinh thần hăng hái, tiếp tục cống hiến sức mình để cùng chung tay bảo vệ môi trường. Người dân nơi đây sẽ cố gắng bảo vệ, giữ gìn con rạch thật tốt.
 
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp về bảo vệ môi trường của nhóm Biên Hòa Xanh. Các tình nguyện viên đã có những việc làm rất có ích cho xã hội. Với những việc làm đó, các bạn đã trả lại môi trường xanh, sạch, đẹp cho nhiều khu vực trên địa bàn thành phố. Sắp tới, thành phố Biên Hòa sẽ hỗ trợ thêm trang thiết bị để nhóm có điều kiện làm việc tốt hơn. Phó Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa đề nghị các phường, xã, đặc biệt là các đoàn viên, thanh niên nhân rộng mô hình, để mỗi địa phương đều có các đội, câu lạc bộ tình nguyện bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức của người dân, xây dựng Biên Hòa trở thành thành phố xanh, sạch, đẹp, thành phố đáng sống.

Bài, ảnh: Lê Xuân (TTXVN)
Sinh viên Đà Nẵng thiết kế mô hình kiểm soát rò rỉ chất lỏng giúp bảo vệ môi trường
Sinh viên Đà Nẵng thiết kế mô hình kiểm soát rò rỉ chất lỏng giúp bảo vệ môi trường

Xuất phát từ nhu cầu thực tế về việc kiểm soát rò rỉ đường ống dẫn chất lỏng giúp bảo vệ môi trường ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu gồm các sinh viên Ngô Đăng Hùng, Trần Lê Đức An, Trần Thế Phong, Dương Thị Thanh Hà, Phạm Thanh Vỹ (Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng), với sự hướng dẫn của Tiến sĩ Phạm Thanh Phong đã xây dựng và phát triển thiết bị “Chẩn đoán và giám sát vị trí điểm rò rỉ trong hệ thống đường ống dẫn chất lỏng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN