Không ngại khó, dám nghĩ, dám làm, cùng với đức tính cần cù ham học hỏi và sự tiếp sức của nguồn vốn tín dụng ưu đãi, từ một hộ nghèo, gia đình ông Bàn Văn Sinh, dân tộc Dao, ở bản Nậm Sáng, xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã vươn lên có cuộc sống ổn định.
Ông Bàn Văn Sinh đang cho cá ăn. |
Không khó để tìm đến nhà ông Bàn Văn Sinh khi ngôi nhà mái bằng khang trang của ông nổi bật giữa bản Nậm Sáng, xung quanh là vườn cây ăn quả tươi tốt, ao cá rộng ngút mắt. Đã ngót 60 tuổi, nhưng quan sát mọi thao tác làm nông của ông thì xem ra vẫn còn “dai” sức. Ít ai biết rằng, để có được cơ ngơi và thành quả như ngày hôm nay, ông đã phải trải qua biết bao khó khăn và gian khổ.
Với quyết tâm thoát nghèo, ông Sinh đã đi nhiều nơi, tham quan nhiều mô hình sản xuất kinh tế giỏi trong tỉnh, huyện, để học hỏi kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi.
Trở về với vốn kiến thức tích lũy được, cùng với việc tìm hiểu qua sách báo, cả gia đình cùng bắt tay vào cải tạo 2 sào ruộng nước hai vụ; gần 1 ha ruộng một vụ và trồng thêm 1 ha nương ngô. Bên cạnh đó, ông còn đào ao thả cá và chăn thả thêm gia cầm để cải thiện cuộc sống. Cứ như thế sau một thời gian, gia đình tích lũy được một số vốn nhất định.
Cùng với số vốn trên 20 triệu đồng vay được từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Than Uyên, ông đã mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi kết hợp với sản xuất trong đó mua 5 con bò giống. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật trong chăn nuôi sau 3 năm đàn bò sinh sản tăng thêm đàn. Đến nay, ngoài những diện tích trồng lúa và trồng rừng thông thì trong chuồng của gia đình lúc nào cũng có hơn 20 con trâu bò, hàng chục con lợn, hàng trăm con gà, ngan thương phẩm cùng hơn 2.000 m2 mặt nước nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm, chép... Từ các nguồn kinh tế ấy, mỗi năm gia đình cũng thu về từ 80 - 90 triệu đồng.
Bài và ảnh: Dương Dương