Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La được thành lập năm 1992, tiền thân là Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Trung tâm hiện quản lý, chăm sóc 70 cháu ở độ tuổi từ 5 đến 22 tuổi. Hầu hết các em là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La. Có em bị mất nguồn nuôi dưỡng, mồ côi cha mẹ. Có em bị nhiễm HIV, bị khuyết tật… Mỗi em một hoàn cảnh nhưng đều có điểm chung là cần được quan tâm, chăm sóc và bảo vệ khẩn cấp.
Em Lò Thị Hoài (11 tuổi) trú tại xã Nậm Lầu, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, không may mồ côi cha mẹ từ năm 7 tuổi. Mới được trung tâm tiếp nhận từ tháng 1/2018 nhưng cũng như bao em khác, Hoài luôn miệng gọi các cán bộ, nhân viên tại trung tâm với danh xưng trìu mến là "bố, mẹ". Em Hoài chia sẻ, bố mẹ mất sớm nên cháu phải nghỉ học ở nhà làm nương, làm mãi mà không đủ ăn. Vào trung tâm, em được đi học lại, ăn no mặc ấm nên rất vui và hạnh phúc. Ban đầu chưa quen, còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được bố mẹ, anh chị em chỉ bảo, giúp đỡ, em đã nhanh chóng hòa nhịp với cuộc sống. Với em, trung tâm chính là ngôi nhà thứ hai; là ngôi nhà đầy ắp tình thương yêu của bố mẹ và anh chị em.
Đặt tại thành phố Sơn La, trung tâm được đầu tư xây dựng khang trang với 3 khu nhà ở gồm 20 phòng rộng rãi, sạch sẽ với công trình phụ khép kín, khu vui chơi, khu nhà bếp và phòng ăn. Ngoài ra, trung tâm còn có nhà y tế - phục hồi chức năng lo chăm sóc sức khỏe ban đầu, luyện tập phục hồi chức năng, thực hiện liệu pháp tâm lý và giáo dục sức khỏe giới tính phù hợp với lứa tuổi của các em.
Em Cà Văn Hòa (18 tuổi) bộc bạch: Em là người dân tộc Thái tại xã Chiềng Phung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên được trung tâm tiếp nhận, chăm sóc từ năm 7 tuổi. Khi được tiếp nhận, em không nói rõ tiếng phổ thông nên chỉ muốn bỏ về. Nhờ trung tâm tạo điều kiện cho đi học, bố mẹ phụ đạo thêm nên kết quả học tập của em ngày càng tốt hơn. Nhiều năm liền em là học sinh tiến tiến, xuất sắc. Năm nay, em dự định sẽ thi vào trường Đại học Tây Bắc. “Em rất biết ơn bố mẹ ở trung tâm đã tạo cơ hội được sống, vui chơi, học tập và trưởng thành như bao đứa trẻ khác”, em Hòa nói.
Chị Dương Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La cho biết: Trung tâm có gần 30 cán bộ, nhân viên; trong đó có 7 “mẹ” trực tiếp làm công tác quản lý, chăm sóc các con. Mỗi mẹ quản lý một tổ gồm 10 con ở các lứa tuổi khác nhau. Để bảo đảm các con được sinh hoạt điều độ, ngoài giờ hay trong ngày nghỉ và các dịp lễ, Tết, trung tâm đều cắt cử các mẹ trực ca, lo cho các con ăn ngủ, học tập, vui chơi, giải trí đúng nề nếp.
Theo đánh giá của chị Trần Thị Thanh Tú, 1 trong 7 "mẹ" ở trung tâm, các con ở nhiều độ tuổi khác nhau, đang trong giai đoạn phát triển về thể lực và tâm lý nên việc quản lý, chăm sóc còn gặp một số khó khăn. Các mẹ thường xuyên quan tâm, sát sao, đôn đốc; đặc biệt là dành nhiều thời gian tâm sự, khuyên bảo nên các con rất nhanh tiến bộ. Với người lớn, các con ngoan ngoãn, lễ phép, nghe lời; với anh chị em biết đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Khi các mẹ bận, anh chị lớn sẵn sàng, xung phong bảo ban, chăm sóc các em nhỏ giúp các mẹ.
Các con trẻ ở trung tâm được chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ. |
Tại trung tâm, các thành viên coi nhau người trong gia đình, cùng chăm lo mái ấm chung, cùng quây quần chia sẻ công việc, niềm vui nỗi buồn trong cuộc sống. Để tăng cường kết nối giữa các thành viên, hằng tuần, trung tâm còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Cùng với đó, các thành viên tăng gia, chăn nuôi vừa giúp cải thiện bữa ăn vừa xây dựng ý thức lao động cho mỗi người.
Nhìn các em khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, mỗi thành viên trong trung tâm không giấu được niềm tự hào cũng như mong muốn các em tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và khẳng định mình. Năm học 2018 – 2019, trung tâm có 10 em theo học tại các trường nghề, cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh và cả nước. Ngoài chế độ được hưởng theo quy định của Nhà nước, trung tâm trực tiếp liên hệ với nhà trường để bảo đảm chỗ ăn nghỉ cho các em; hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí để các em không thiếu thốn, thiệt thòi so với bạn cùng trang lứa.
Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La có chức năng tiếp nhận, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội song mới chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng là trẻ em yếu thế. Trong thời gian tới, bên cạnh việc mở rộng quy mô tiếp nhận trẻ em, trung tâm dự kiến sẽ mở rộng đối tượng tiếp nhận là người yếu thế khác như người già cô đơn, người lang thang cơ nhỡ, nạn nhân của bạo lực gia đình... Hiện, tỉnh Sơn La hơn 28.000 đối tượng hưởng chế độ trợ cấp tại công đồng; hơn 90.000 người cao tuổi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gần 15.000 người khuyết tật và hơn 500 đối tượng nhiễm HIV bao gồm trẻ em.