Người dân xóm Nà Khá, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An (Cao Bằng), ai cũng biết mô hình chăn nuôi, dịch vụ bán thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng đem lại hiệu quả kinh tế cao của chị Nông Thị Lê, sinh năm 1985, dân tộc Tày.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Nông Thị Lê, xóm Nà Khá, xã Nam Tuấn (Hòa An). |
Năm 2005, chị Lê lập gia đình và bắt đầu chăn nuôi lợn, mỗi lứa 10 - 15 con. Năm 2007, vợ chồng chị đầu tư hơn 200 triệu đồng mua ô tô chở vật liệu xây dựng thuê. Năm 2009, vợ chồng chị vay 400 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An đầu tư xây dựng cơ sở dịch vụ bán thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, đồng thời, tiếp tục phát triển chăn nuôi lợn, mỗi năm nuôi 2 lứa lợn, mỗi lứa 30 - 40 con. Ngoài chăn nuôi, bán thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng, gia đình chị còn trồng hơn 6.000 m2 lúa, hơn 1.000 m2 ngô.
Chị Lê cho biết: “Mỗi năm gia đình nuôi 3 lứa lợn, mỗi lứa gần 40 con. Hằng năm, xuất hơn 4 tấn lợn hơi, thu nhập hơn 60 triệu đồng. Ngoài bán lẻ thức ăn chăn nuôi, tôi còn bán buôn cho các cửa hàng nhỏ, cộng thêm bán vật liệu xây dựng, mỗi năm thu hơn 100 triệu đồng. Tổng thu nhập từ chăn nuôi lợn và bán hàng là gần 200 triệu đồng/năm. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ đầu tư mở rộng chuồng trại, xây dựng hầm bioga, tăng đàn lợn”.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Lê còn tích cực tham gia các hoạt động do Hội Phụ nữ xã phát động; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn với các hội viên phụ nữ và bà con trong xóm. Chị Nông Thị Lê là tấm gương trong phát triển kinh tế gia đình để nhiều phụ nữ học tập và làm theo.