Cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ (áo vàng) chụp ảnh cùng đại diện các gia đình doanh nhân thời kì tiền khởi nghĩa.
|
Xuất thân trong một gia đình nhà nho yêu nước thuộc dòng họ khá nổi tiếng tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, ngay từ nhỏ, cụ Hoàng Thị Minh Hồ được người cha là Hoàng Đạo Phương vun đắp tinh thần yêu nước, yêu cách mạng. Cha cụ và thân sinh nhà tư sản Trịnh Văn Bô là Trịnh Văn Văn Đường đều là những người có chung lý tưởng yêu nước, trọng nghĩa khí và cùng tham gia phong trào yêu nước Đông Kinh Nghĩa Thục do các chí sỹ Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can… khởi xướng đầu thế kỷ XX. Bởi vậy, trong quá trình gây dựng sự nghiệp kinh doanh, cụ Hoàng Thị Minh Hồ cùng chồng là Trịnh Văn Bô luôn chia sẻ với người nghèo và người kém may mắn, còn đối với cách mạng, đó là sự hy sinh, không giữ lại gì riêng mình. Điều đó có thể thấy qua triết lý kinh doanh của hai cụ: “Buôn bán được 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả!”.
Trước khi gặp Mặt trận Việt Minh, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ luôn làm từ thiện, giúp đỡ người nghèo, cứu đói đồng bào. Thấy gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ giàu lòng nhân ái, luôn làm việc thiện, cuối năm 1944 đồng chí Tạ Văn Thực và Tạ Văn Lưu là những cán bộ Việt Minh đến thuyết phục gia đình cụ giúp đỡ, ủng hộ cách mạng. Rồi đến đồng chí Khuất Duy Tiến cũng đến đề cập vấn đề này. Dù chưa hiểu nhiều về công việc của họ nhưng mới chỉ nghe đến cán bộ Việt Minh là cụ Hoàng Thị Minh Hồ đã có cảm tình và bàn với cụ Trịnh Văn Bô giúp đỡ ngay, đồng thời vận động những người khác giúp đỡ tiền, vàng, lương thực cho Việt Minh. Với tinh thần yêu nước, tin tưởng cách mạng, từ đó gia đình cụ luôn sát cánh cùng Mặt trận Việt Minh, quyên góp, ủng hộ cách mạng.
Chỉ trong vòng vài tháng sau đó, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và cụ Trịnh Văn Bô đã ủng hộ Mặt trận Việt Minh 3 lần với số tiền 4 vạn đồng Đông Dương. Sau đó, có thêm hai cán bộ Việt Minh khác làm công tác tài chính đến vận động và gia đình cụ lại tiếp tục giao tổng cộng 8,5 vạn đồng Đông Dương cho Việt Minh, tương đương 212,5 lạng vàng.
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ đi đầu trong vận động các tầng lớp công thương Thủ đô tham gia ủng hộ Quỹ Độc lập và Tuần lễ Vàng của Chính phủ lâm thời. Tại Tuần lễ Vàng tháng 9/1945, cụ và mẹ chồng Phan Thị Ngọc bỏ số vàng đầu tiên vào hòm quyên với số lượng đóng góp tới 117 lạng vàng.
Tiếp nối hành động cao quý của cụ, nhiều doanh nhân và người dân Thủ đô đã tích cực ủng hộ Tuần lễ Vàng, đóp góp vào nguồn tài chính của Chính phủ đang rất khó khăn thời kỳ đó. Tổng cộng số tiền và vàng gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ ủng hộ cho cách mạng tổng cộng lên tới 5.147 lạng vàng.
Với số tài sản lớn được ủng hộ cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ chỉ có một tâm nguyện để giữ được chính quyền, đất nước mới được độc lập, nhân dân mới được tự do. Đó không chỉ là trách nhiệm của một doanh nhân yêu nước mà hơn cả là tinh thần dân tộc cao cả, hy sinh vì lợi ích chung của đất nước. Nhất là trong điều kiện vô cùng khó khăn của những ngày tiền khởi nghĩa và những ngày đầu đất nước độc lập, những đóng góp của gia đình cụ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ từng chia sẻ: “Vàng cũng quý thật nhưng tấm lòng của Bác vì dân, vì nước còn quý hơn vàng”.
Không chỉ đóng góp lớn lao cho cách mạng, cụ Hoàng Thị Minh Hồ và gia đình còn vinh dự chăm sóc, bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người đến ở và làm việc tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang của gia đình, khởi thảo bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và chuẩn bị cho lễ ra mắt Chính phủ lâm thời. Không ít lần bị mật thám mò tới nhưng với bản lĩnh và sự thông minh, cụ đã khéo léo đánh lừa được chúng, bảo vệ an toàn cho Bác và các đồng chí trong Thường vụ Trung ương Đảng. Tất cả những việc đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở đây, cụ Hoàng Thị Minh Hồ đều chu toàn trong việc tiếp đãi.
Ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945, cụ Hoàng Thị Minh Hồ mới xúc động nhận ra Người mà cụ chăm sóc, bảo vệ bấy lâu trong thời gian qua chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nước mắt cụ tuôn rơi vì hạnh phúc.
Rồi toàn quốc kháng chiến, từ một gia đình doanh nhân giàu có hàng đầu của Thủ đô, có hàng loạt cửa hiệu kinh doanh uy tín, có nhà máy với 120 công nhân nhưng gia đình cụ vẫn bỏ lại tất cả, thực hiện “Tiêu thổ kháng chiến” theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lên chiến khu. Sự tin tưởng vào cách mạng, tin yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh của gia đình cụ vẫn trước sau như một, dù biết ở chiến khu là những năm tháng đầy vất vả.
Sau này, ngôi nhà 48 Hàng Ngang được gia đình cụ Hoàng Thị Minh Hồ hiến cho Nhà nước làm di tích lịch sử quốc gia, trưng bày lưu niệm những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc tại đây.
Cụ Hoàng Thị Minh Hồ ra đi đêm 5/11 vừa qua, thọ 104 tuổi để lại niềm tiếc thương cho rất nhiều người yêu quý cụ và gia đình cụ. Xin được thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên cụ như lời tri ân vì những đóng góp lớn lao cho dân tộc với một tinh thần ngời sáng.