Chúng tôi gặp bà Lâm tại Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 12, bà là đại diện duy nhất của dân tộc Chứt dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ II.
Chia sẻ về bản Cáo của mình, bà Lâm cho biết: Bản Cáo với phần lớn các hộ là người Mã Liềng (thuộc dân tộc Chứt). Hơn 30 năm về trước, người Mã Liềng chủ yếu sống trong các hang đá, hoặc trong những túp nhà nhỏ cheo leo trên dãy núi Giăng Màn của dãy Trường Sơn.
Với thói quen sống ở trên các sườn núi, cứ khoảng 2 đến 3 mùa rẫy, khi đất đai nghèo kiệt, bà con lại kéo nhau đi tìm mảnh đất màu mỡ mới để khai hoang trồng lúa, trồng ngô và săn bắn, hái lượm.
Cuộc sống nay đây, mai đó, nghèo đói, bệnh tật và nạn hôn nhân cận huyết khiến tộc người này đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn vận động bà con xây dựng cuộc sống mới, bà Lâm chia sẻ: “Tôi được bầu làm Trưởng bản Cáo từ năm 1999, khi ấy mới 37 tuổi. Khi Nhà nước triển khai thực hiện Chương trình định canh, định cư, xây nhà ở, trường học, trạm y tế…, tôi đã nhanh chóng thuyết phục bà con chuyển đổi cách sống, nhưng gặp nhiều khó khăn vì lối sống hoang dã đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào. Tôi đã phải tự bỏ tiền túi ra mua thịt, gạo và nhiều khi là cả rượu nữa, để vào cùng ăn, cùng ở với bà con, thuyết phục dần dần…”.
Để giúp bà con thích nghi với nơi ở mới, Nhà nước đã xây nhà cho bà con theo đúng mẫu nhà sàn truyền thống phù hợp với tín ngưỡng của người Mã Liềng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ xây cầu, làm đường bê tông vào các bản; xây nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, đập thủy lợi phục vụ sản xuất… Tuy nhiên, chỉ được một thời gian, các hộ gia đình lại lần lượt bỏ nhà quay lại rừng sống vì xa lạ với nơi ở mới. Đến cuối năm 2000, cả bản Cáo chỉ còn 3 hộ trụ lại bản, còn hầu hết bà con dắt díu nhau vào núi.
“Không nản chí, nhiều tổ chức đoàn thể, nhiều đoàn cán bộ lại lần lượt lên núi tìm để vận động bà con ra bản. Bản thân tôi cùng gia đình đã ở lại rừng cả tháng trời để thuyết phục bà con về bản. Dần dà “mưa dầm thấm lâu”, người dân bắt đầu tin tưởng cán bộ và lại lục tục kéo nhau về nhà mới”, bà Lâm chia sẻ.
Để ổn định cuộc sống mới cho đồng bào, bà Lâm đã xin chính quyền san ủi đất để bà con sản xuất. Trước kia, bà con sản xuất chủ yếu dọc bờ sông, suối, lúc nước bồi thì có đất, lúc nước lở không có đất thì lại bị đói. Từ khi ra định cư, có đất, bà con được trồng cấy, sản xuất ổn định.
Tiếp đó, bà Lâm đề nghị chính quyền và HĐND huyện Tuyên Hóa cấp cho 222 héc ta đất rừng, phân ra từng loại đất, đất đất sản xuất lương thực, rồi đất trồng rừng… Bà vừa làm vừa thuyết phục bà con làm theo. Nhờ đó, ý thức của đồng bào trong việc xây dựng cuộc sống đã thay đổi, đồng bào đã chủ động học hỏi để phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập.
Vận động được bà con định canh định cư đã khó, thuyết phục bà con theo những nếp sống mới cũng khó khăn không kém, nhất là về mặt y tế, giáo dục. Một trong những nhiệm vụ tưởng như “bất khả thi” ngày đó là việc thuyết phục phụ nữ đồng bào sinh nhiều con đi đình sản. Bởi bà thấy, sinh nhiều con không được học hành đến nơi đến chốn, rồi lại sinh ra đói nên bà nhiệt tình thuyết phục một số chị em đã sinh nhiều con, lại sức khỏe yếu đi đình sản.
“Giờ đây, mỗi khi có trẻ sinh ra, tôi đều đến ghi ngày tháng năm sinh, cân nặng của trẻ, hàng tháng các cháu nhỏ đã được đi tiêm phòng vắc-xin, uống thuốc phòng đầy đủ, ý thức của dân bản về sức khỏe sinh sản đã được nâng lên rất nhiều”… bà Lâm vui vẻ nói.
Rồi đến nhiệm vụ xóa mù chữ, bà Lâm nhớ lại, mỗi lần làm việc với đồng bào là phải đưa cả hộp dấu đi để điểm chỉ, vì có ai viết được chữ đâu, nói gì đến ký, ngày tháng năm sinh của mình còn không nhớ nổi. Vì thế, ngay từ năm 2001, bà Lâm đã đề nghị xã mở lớp xóa mù chữ cử một thầy giáo biết tiếng đồng bào về dạy. Bản thân bà Lâm cũng phải vừa học cùng vừa làm phiên dịch cho bà con... Ban đầu chưa có lớp phải nhờ nhà dân, sau đó bà con quyên góp, ủng hộ xây trường cho các cháu.
Giờ đây, cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm của Bản Cáo đã hiện đại hơn rất nhiều, nhận thức người dân cũng thay đổi. Bản Cáo hiện có 46 hộ với 179 khẩu. Quan trọng nhất là thu nhập của người dân từ trồng rừng, có hộ thu đến hàng trăm triệu tiền rừng, hộ ít nhất cũng đạt 20 đến 30 triệu. Ngoài ra, bà con còn làm nghề phụ, như căn nuôi lợn, rảnh là đi mây, đan nón… tăng thu nhập.
Nhìn lại thành quả sau hơn 20 năm vận động người dân Bản Cáo ra định canh định cư, bà Lâm vui vẻ nói, quan trọng là đồng bào dân tộc Chứt đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ những chính sách của Nhà nước cũng như chính quyền địa phương như: Chính sách hỗ trợ định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; Chương trình 135 xóa đói giảm nghèo, giai đoạn 1, giai đoạn 2, giai đoạn 3; Quyết định 2086 (phê duyệt đền án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người)”… nên, từ một dân tộc từng được xếp vào diện nguy cơ suy vong, thì nay bà con đã bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch với các dân tộc khác.
Sinh năm 1962, bà Phạm Thị Lâm được bầu làm Trưởng bản Cáo, xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình từ năm 1999, khi mới 37 tuổi. Chồng mất sớm, bà một mình vừa tham gia công tác tại địa phương, vừa nuôi dạy ba con trai nên người.