Thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Vàng A Chay, bản Mú Cái Hồ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, mới thực sự cảm phục ý chí thoát nghèo của người nông dân này.Nhiều hộ gia đình ở Yên Bái đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi để làm giàu. |
Như bao gia đình người Mông ở bản Mú Cái Hồ, trước đây, dù rằng đất đai nhiều, nhưng gia đình anh Chay vẫn bị đói cái ăn, thiếu cái mặc. Tham gia các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật của các tổ chức đoàn thể, được cán bộ khuyến nông huyện, xã tận tình cầm tay chỉ việc, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc thâm canh cây lúa, ngô, chăn nuôi trâu bò; được tư vấn hỗ trợ giống, vốn, cách thức phát triển kinh tế gia đình, anh Chay đã định hình và gây dựng mô hình phát triển kinh tế cho riêng mình.
Nhận thấy việc chăn nuôi gia súc theo hình thức chăn thả truyền thống hiệu quả thấp, rủi ro lại cao, nhất là vào mùa đông giá rét, năm 2009, Chay quyết tâm vay mượn anh em, bạn bè mua 2 con trâu, 3 con bò và 4 con dê cái quyết tâm phát triển đàn gia súc theo hướng nuôi nhốt. Anh xây dựng chuồng trại kiên cố, xa hẳn khu nhà ở, đào hố xử lý phân thải để bón ruộng.
Bằng kinh nghiệm chăn nuôi sẵn có, lại thường xuyên được tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, tuân thủ đầy đủ quy trình phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại, tích trữ thức ăn quanh năm cho vật nuôi, nên đàn gia súc của gia đình anh phát triển tốt. Từ số con giống ít ỏi ban đầu, đến nay, tổng đàn gia súc của nhà Vàng A Chay đã lên trên 60 con, trong đó, trên 10 con trâu, gần chục con bò và trên 40 con dê, cung cấp con giống phát triển chăn nuôi cho nhân dân trong vùng. Với tổng đàn gia súc hiện có anh Chay cũng thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm.
Theo anh Chay, phát triển chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao có thuận lợi là điều kiện đất đai rộng rãi, tuân thủ đúng quy trình xử lý chất thải gia súc sẽ không lo gây ô nhiễm vệ sinh môi trường. Việc nuôi nhốt gia súc và tiêm phòng dịch đầy đủ đã hạn chế thấp nhất rủi ro cho người chăn nuôi, điều mà nhiều người dân trong bản chưa chịu học, chưa chịu làm theo.
Áp dụng phương thức lấy chăn nuôi để phát triển trồng trọt, anh tận dụng nguồn phân thải của gia súc để chăm bón cho trên 1,5 ha ruộng nước và cây trồng đem lại hiệu quả cao. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu về trên 3 tấn thóc, đời sống sinh hoạt gia đình được cải thiện và ngày một nâng cao. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên hướng dẫn kỹ thuật, chủ động chia sẻ kinh nghiệm phát triển chăn nuôi để nhân dân trong xã, nhất là hộ nghèo trong bản biết cách tự vươn lên thoát nghèo.
Bài và ảnh: Minh Thúy