Người con của bản làng vùng Đông Bắc

Đại úy công an Sằn A Phật (dân tộc Sán Chỉ, Đội phó Đội An ninh, Công an huyện Tiên Yên - Quảng Ninh) đã phát huy sức trẻ, trí tuệ của mình trong công tác giữ gìn an ninh Tổ quốc ở cửa ngõ miền đông tỉnh Quảng Ninh.


Khả năng nói thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số là Tày, Hoa, Sán Chỉ và Dao, đã giúp Đại úy Sằn A Phật nhanh chóng gần gũi, tạo được thiện cảm, sự đồng tình, ủng hộ của đồng bào dân tộc với người chiến sĩ Công an nhân dân. Anh cho biết: “Nói bằng ngôn ngữ của dân bản, hiểu được cách nghĩ, nếp ăn ở, phong tục, tập quán của bà con, nên tôi đã xây dựng được mối quan hệ mật thiết với bà con. Từ đó, tôi bám sát và nắm vững được tình hình địa bàn 40 thôn, khe bản vùng núi rừng miền đông của tỉnh, đồng thời thuận lợi trong việc tổ chức tuyên truyền, vận động dân bản thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước”.

Đại úy Sằn A Phật trao đổi tình hình an ninh trật tự với anh Trìu A Nhì, Trưởng thôn Cống To, xã Tiên Lãng, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh).Ảnh: tuoitre.vn

Đại úy Sằn A Phật kể, có lần vừa lên bản, anh được một thanh niên dân tộc Dao nhất định kéo vào nhà uống rượu mừng bằng tiếng Dao. Nghe xong Phật hiểu anh ta khoe rằng, hồi anh ta cưới vợ, bố mẹ vợ thách cưới cao quá, giờ anh ta không thích vợ này nữa, nên gả cho A Tài ở xã bên. Anh ta thách cưới cao hơn cả bố mẹ vợ mình, mà A Tài vẫn ưng, thế là có lãi rồi. Phật đã kịp thời giải thích cho anh thanh niên người Dao hiểu được cái xấu của hủ tục “bán vợ”, khuyên anh sống theo nếp sống văn minh, hôn nhân một vợ, một chồng.

Việc bỏ học của trẻ em ở các xã vùng cao thường xuyên diễn ra, Đại úy Sằn A Phật lại phải tìm cách tiếp cận các em. Có thời gian cứ đi bản là Phật mang theo bánh kẹo với quân phục chỉnh tề ngồi chơi cùng các cháu. Trẻ con rất thích quân phục của chú Phật, đứa đòi đội mũ kepi, đứa mân mê cầu vai, ve hàm, thế nên Phật mang chính câu chuyện của bản thân mình ra kể: Hồi học lớp 4 đến hết lớp 9, anh thường mất nửa ngày đường đi bộ từ nhà ở xã Đại Dực xuống Trường Trung tâm huyện Tiên Yên để học. Nhiều lần đói, mệt, nản quá cũng muốn bỏ học, nhưng nếu bỏ học thì làm sao bây giờ được đứng trong hàng ngũ của lực lượng công an. Bọn trẻ nghe xong, chúng bảo nhau cố đi học... vì sau này sẽ có cơ hội được mặc quân phục công an giống như chú Phật.

Đại úy Sằn A Phật trình bày tham luận tại Đại hội thi đua "Vì an ninh Tổ quốc" toàn lực lượng Công an nhân dân (CAND) lần thứ VII. Ảnh: vnca.cand.com.vn

Trong những lần lên bản, Đại úy Sằn A Phật thường dành nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự, động viên các già làng, người có uy tín, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương rẫy, không ngừng tạo mối quan hệ tình cảm thân thiết, tạo niềm tin để họ ủng hộ và sẵn sàng giúp đỡ anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhờ có tin báo của người dân, cuối năm 2013, Đại úy Sằn A Phật phát hiện và phá thành công một đường dây tổ chức đưa dẫn số lượng lớn, gồm 50 người dân tộc Dao, Sán Chỉ, Tày đang trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động làm thuê.

Được dân bản yêu quý, tin tưởng, nên nhiều thôn, bản còn nhờ anh tham gia ý kiến trong việc xây dựng hương ước, thôn ước giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, bản. Thậm chí, bà con còn dạy Phật cách đánh đàn bát, đàn tính, hát then, hát Soong cọ. Tại các đợt biểu diễn văn nghệ quần chúng của huyện và công an tỉnh, Phật mạnh dạn đăng ký tham gia độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc, lần nào cũng đạt giải cao. Anh coi đây là phần quà và tình cảm của mình với đồng bào các dân tộc huyện Tiên Yên, nơi anh công tác và gắn bó.
Văn Đức
Tận tâm với trẻ khuyết tật miền núi
Tận tâm với trẻ khuyết tật miền núi

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Hải Sâm, trường tiểu học Eatrol (xã Eatrol, huyện Sông Hinh, Phú Yên) đã hết lòng giúp đỡ học sinh khuyết tật hòa nhập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN