Nghị lực dẫn lối thành công
Sinh ra bình thường, lành lặn như bao người khác nhưng một biến cố ập đến khi thanh niên Phạm Văn Sỹ vừa tròn 19 tuổi. Cơn sốt kéo theo căn bệnh khớp quái ác đã khiến ông khi đó nằm liệt giường hàng năm trời. Ông Sỹ chia sẻ, ngày đó, ông không nghĩ là mình còn có thể sống được. Năm 1982, kinh tế của gia đình khó khăn nên việc chạy chữa chỉ trông chờ vào những bài thuốc nam. Hơn một năm sau, ông mới gượng dậy tập vận động. Lúc này, đôi chân của ông đã teo tóp, các khớp cứng lại, không thể di chuyển được, đôi tay cũng yếu hơn.
Thoát khỏi "cửa tử", ông Sỹ không ngừng luyện tập để có thể tự lập. Ông xúc động nhớ lại, quãng thời gian này thực sự khó khăn với ông. Nhờ sự động viên từ gia đình, ông quyết tâm không bỏ cuộc để vượt qua số phận. Ông chăm chỉ luyện tập mỗi ngày để có thể tự di chuyển. Không dùng được chân, ông đã tập đi bằng đôi tay của mình. Nhờ kiên trì, sau vài năm, ông đã có thể di chuyển và làm mọi thứ bằng tay, không cần mẹ phục vụ.
Khi tự lập được, ông nghĩ phải tìm một công việc để nuôi sống bản thân. Năm 1994, ông ra thành phố Hà Tĩnh xin học nghề sửa chữa điện, điện tử tại trung tâm dạy nghề thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh. Sau hai năm chăm chỉ học và cập nhật các kiến thức mới về, năm 1996, ông Sỹ tự mở tiệm sữa, chữa đồ điện, điện tử nhỏ ở quê nhà. Ông nhận sửa chữa từ quạt, máy bơm nước, tivi, đài cát-sét cho đến các thiết bị điện khác, nhờ vậy, ông có thu nhập để trang trải cuộc sống.
Bệnh tật đã lấy đi đôi chân và một phần sức khỏe, nhưng ông Sỹ lại được bù đắp bằng đôi tay khéo léo và sự thông minh. Ông có thể tự mày mò và sửa được nhiều loại đồ điện, điện tử khác nhau. Giờ đây, ông đã mua được xe máy 3 bánh để xuống huyện lấy hàng.
Xây dựng tổ ấm hạnh phúc
Trong câu chuyện của mình, ông Sỹ luôn nhắc đến người vợ với ánh mắt lấp lánh niềm vui và tự hào. Bà Nguyễn Thị Quang kém ông Sỹ một tuổi là người cùng làng. Cảm thương và khâm phục người đàn ông khuyết tật, bà Quang quyết tâm lấy ông Sỹ. Bà nhớ lại và chia sẻ cảm giác ngày đó rất cảm phục ông khi thấy sự chịu thương, chịu khó và có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hồi chưa cưới, ông Sỹ cứ trăn trở việc chăm lo cho vợ, nhưng bà đã luôn động viên và tin tưởng ông. Năm 2000, một đám cưới nhỏ đã được diễn ra.
Tổ ấm của hai vợ chồng ông bà càng hạnh phúc hơn khi lần lượt đón hai cậu con trai chào đời. Những năm sau đó, ông Sỹ còn nhận lời đi dạy nghề cho người khuyết tật ở thành phố Hà Tĩnh. Sau giờ dạy, ông tranh thủ buổi đêm sửa đồ đạc cho bà con lối xóm. Được vài năm, do sức khỏe không cho phép, ông Sỹ nghỉ dạy, ở nhà chuyên tâm vào việc sửa chữa. Ngoài ra, ông còn nhập thêm hàng điện tử gia dụng để vợ bán tại nhà.
Ông Sỹ cho biết, thu nhập từ nghề sửa, chữa đồ điện tử mỗi ngày được 200 - 300 nghìn đồng. Nhờ chịu khó, vợ chồng ông đã nuôi các con khôn lớn. Đến nay, hai cậu con trai của ông bà đều đã học xong phổ thông và được định hướng học nghề để đi xuất khẩu lao động. Điều may mắn và là niềm động viên của vợ chồng ông chính là hai con ngoan ngoãn, chăm chỉ, nghe lời bố mẹ.
Ngoài ra, ông Sỹ còn là người có tâm hồn lạc quan với nhiều tài lẻ như biết hát, chơi đàn ghi-ta và organ. Tại các buổi sinh hoạt ở địa phương hay thôn, xóm, ông đều tham gia văn nghệ sôi nổi. Chia sẻ về quan điểm sống của mình, ông Sỹ cho biết, điều quan trọng là ông luôn lạc quan và không ngừng cố gắng. Ông đã xem bất hạnh của mình là động lực để phấn đấu và không trông chờ, ỷ lại vào người khác.
Hành trình vượt lên khó khăn, vượt qua nghịch cảnh để chứng tỏ năng lực bản thân của người đàn ông hơn 40 năm di chuyển bằng tay Phạm Văn Sỹ đã trở thành nguồn cảm hứng, tấm gương cho lớp trẻ, người dân và những người khuyết tật cùng hoàn cảnh ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cẩm Mỹ Phan Văn Trí chia sẻ, ông Sỹ chính là tấm gương sáng để giáo dục thế hệ trẻ về thái độ sống tích cực và sự nỗ lực bền bỉ, vượt lên chính mình để vươn lên trong cuộc sống.