Ngày 26/6, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vinh danh các điển hình thi đua yêu nước giai đoạn 2015-2020. Trong không khí ngập tràn cờ hoa và những lời chúc mừng, ít ai chú ý đến một người đàn ông tuổi lục tuần ngồi khiêm nhường ở một góc khuất.
Năn nỉ để được hiến máu nhân đạo
Ông Lâm Kiến Phước là người Việt gốc Hoa sinh sống trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đặt trụ sở Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố. Những năm 1990, mỗi ngày đi qua bệnh viện này, ông Lâm Kiến Phước đều chứng kiến cảnh dòng người xếp hàng dài để đăng ký bán máu. Ông nhớ lại, thời điểm đó, phong trào hiến máu tình nguyện chưa được khỏi xướng, đa số nguồn máu phục vụ trong bệnh viện là từ máu mua bán, do vậy, máu là chế phẩm khá đắt đỏ. Có không ít người đã mưu sinh bằng công việc bán máu chuyên nghiệp. Thế nhưng dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, ông Phước không chạy theo trào lưu đó, quyết định dành những giọt máu quý giá của mình để cứu người.
Ông Phước vẫn nhớ như in “cơ duyên” khởi đầu cho hành trình 26 năm hiến máu cứu người của mình. Ngày 4/12/1994, ông đọc được tin kêu gọi hiến máu nhân đạo trên báo Tuổi trẻ. Sáng hôm sau, ông tức tốc đến Trung tâm Hiến máu nhân đạo để đăng ký hiến máu. “Cả ngày hôm đó chỉ có 3 người hiến máu nhân đạo, tôi là người thứ 3. Đa số mọi người thời đó ai cũng sợ hiến máu, họ sợ ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Phước kể.
Sau lần hiến máu đầu tiên, ông Phước được Trung tâm Hiến máu nhân đạo báo lại ông thuộc nhóm máu O, nhóm máu có thể cho tất cả mọi người và lượng máu ông hiến tặng đã được dùng để cứu người đang phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Chỉ thế thôi, đã khiến ông vui đến mấy ngày.
Qua việc tự theo dõi sức khỏe của bản thân, ông cảm thấy sức khỏe của mình không bị ảnh hưởng sau hiến máu cộng với niềm vui vì cứu được người khác khiến ông quyết định trở thành “người hiến máu thân thiết” tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố. Đều đặn 3 tháng một lần, ông lại đi hiến máu như một thói quen không thể bỏ trong suốt 26 năm qua.
Vốn là một nhân viên giao nhận hàng hóa, thường xuyên di chuyển ngoài đường nên cứ hễ thấy nơi nào có ngày hội hiến máu là ông “tạt vào” đăng ký. Đã có nhiều lần Ban Tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo phải từ chối nhiệt tình của ông Lâm Kiến Phước vì ông không chưa đủ tiêu chuẩn 3 tháng như quy định. “Những lần như thế, tôi năn nỉ người ta cho tôi được hiến máu, vì tôi thấy người mình rất khỏe. Cũng có nơi, họ du di cho tôi khi sắp đến thời hạn 3 tháng nhưng cũng có những nơi họ từ chối. Thế là tôi đành phải chờ đủ 3 tháng để lên Trung tâm Hiến máu nhân đạo hiến máu”, ông Phước cho hay.
Sống cho đi, chết cũng nguyện cho đi…
26 năm với 97 lần hiến máu nhân đạo nhưng mỗi lần hiến máu, ông Lâm Kiến Phước vẫn cảm thấy vui như lần đầu tiên. Để nguồn máu hiến của mình được tốt, ông Phước luôn tạo cho mình lối sống lành mạnh, tránh xa thói quen xấu như rượu, bia, thuốc lá… thường xuyên luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe. Những điều căn dặn như: trước ngày đi hiến máu phải ngủ sớm, không sử dụng chất kích thích; sau khi lấy máu, phải giữ chặt chỗ lấy máu, nghỉ ngơi 15 phút mới được ra về; về nhà phải uống bổ sung sắt để nhanh lấy lại hồng cầu… ông đã thuộc nằm lòng.
Đặc biệt, trong khi nhiều người hiến máu nhân đạo vẫn còn phàn nàn về chế độ hỗ trợ, ông Lâm Kiến Phước đều tự nguyện không nhận mỗi lần hiến máu. Những hiện vật như đường, sữa, bánh kẹo… ông nhờ Hội Chữ thập đỏ trao tặng cho các viện dưỡng lão. Còn tiền bồi dưỡng, ông bỏ vào thùng từ thiện cứu giúp người lang thang, cơ nhỡ, những người còn khó khăn trong cuộc sống.
Không chỉ hiến máu nhân đạo, từ lâu ông Lâm Kiến Phước đã đăng ký hiến giác mạc tại Ngân hàng mắt Thành phố Hồ Chí Minh, đăng ký hiến xác cho y học sau khi qua đời cho Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và ông đang dự định sẽ đến Bệnh viện Chợ Rẫy đăng ký hiến tạng. “Gia đình tôi là người gốc Hoa, vì thế quan niệm về hiến máu, hiến tạng, hiến xác vẫn còn nhiều định kiến, nhưng tôi luôn thuyết phục gia đình mình đồng ý với tâm nguyện hiến tặng tất cả những gì tôi có sau khi qua đời. Mình sống cũng có thể cho đi, khi chết có gì còn phải nề hà. Tôi cũng thường xuyên đưa vợ, con đến các điểm hiến máu tình nguyện để gia đình hiểu rõ hơn về hoạt động nhân đạo này”, ông Lâm Kiến Phước chia sẻ.
Và rất may mắn, từ ban đầu phản đối quyết liệt, đến nay, gia đình ông Phước hoàn toàn đồng thuận với các quyết định của ông. Theo đó, vợ ông không còn phản đối ông hiến tạng, hiến xác; hai cô con gái theo gương cha trở thành những người hiến máu nhân đạo tích cực tại cơ quan làm việc.
Nhận xét về ông Lâm Kiến Phước, bác sỹ Trần Thị Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, đây là một trong những nhân tố tích cực của phong trào hiến máu nhân đạo trong những năm qua. “Anh Lâm Kiến Phước là người hiếm hoi tham gia hiến máu nhân đạo từ thời điểm khởi phát của phong trào và cho đến hôm nay vẫn đều đặn hiến máu không sót một lần nào. Cái đáng quý nhất của anh Phước là sẵn sàng hiến máu cứu người mọi lúc mọi nơi”, bác sỹ Tố cho hay.
Ông Lâm Kiến Phước là một trong 10 người có số lần hiến máu nhân đạo nhiều nhất trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là người từng được vinh dự 2 lần nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng, chưa kể các bằng khen, kỷ niệm chương, giấy khen của lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Chữ thập đỏ Thành phố Hồ Chí Minh… Dẫu vậy, khi được hỏi về động cơ của mình, ông vẫn luôn khiêm nhường và cho rằng đó là điều rất đỗi bình thường trong xã hội. “Người ta có nhiều tiền bạc, người ta giúp đời bằng vật chất, còn tôi không có gì nên chỉ có thể giúp người bằng chính những giọt máu của mình, cơ thể của mình. Khi tôi chết đi, tôi chỉ mong máu của tôi, tạng của tôi có ích đối với bất cứ ai đang cần, đó niềm vui lớn nhất rồi”, ông Lâm Kiến Phước chia sẻ.
Năm nay 56 tuổi, ông Lâm Kiến Phước chỉ còn 4 năm được hiến máu theo quy định. Thế nhưng, tâm nguyện của ông là tiếp tục được hiến máu cứu người cho đến khi sức khỏe còn cho phép, bởi ông vẫn luôn đau đáu với câu nói “máu có thể chờ người bệnh nhưng người bệnh không thể chờ máu”.