“Biết đánh chiêng đã khó, chứ chưa nói đến việc gìn giữ” là câu các già làng, trưởng bản thường hay nhắc về số phận loại nhạc cụ truyền thống khi truyền lại cho những thế hệ mai sau. Ấy vậy mà, chàng trai Hồ Văn Tư lại làm được cả hai điều đó.
Anh Tư biểu diễn đánh chiêng. |
Đối với đồng bào Cor nơi đây, chiêng là loại nhạc cụ gắn liền với đời sống tâm linh. Bất kể nhà nào giàu hay nghèo đều phải có. Giàu sẽ sắm đến hai cặp, nghèo thì dành dụm làm một đôi. Trong tổng số 500 hộ dân ở xã, có tới hơn 200 hộ có chiêng. Nhưng để sở hữu tới 4 cặp như anh Hồ Văn Tư, gia đình phải rất khá giả bởi đồng bào trước kia thường đổi ngang nhạc cụ bằng trâu, tức phải đổi 8 con trâu để mua về 8 cái chiêng ấy.
Bộ chiêng anh Tư đang sở hữu có tuổi trên đời trên 200 năm, giá trị không còn tính bằng bạc triệu hay bạc tỷ, mà là “báu vật” vô giá về lịch sử và thời gian. Bên cạnh chiêng, anh Tư còn lưu giữ cả ché (dùng để làm rượu cần) và nồi bảy, nồi bung (vật dụng dùng để nấu cơm) với số lượng lên tới 10 cái để làm phong phú thêm bộ sưu tập của mình. Khối “tài sản” lớn ấy, cả thôn chỉ có mỗi mình anh có, thuộc dạng độc nhất vô nhị. Anh Tư tự hào khoe: “Đây là gia tài mà tổ tiên lưu truyền lại, nên dù có đói khổ thế nào mình cũng không bán. Mình giữ gìn cẩn thận để đến khi nào giỗ ông, bà lại đem ra đánh để tỏ lòng thành kính”.
“Sau này mình có con cái mình sẽ dạy nó cách đánh chiêng, dạy nó biết quý trọng chiêng vì mất chiêng là mất cả cội nguồn”, anh Tư chia sẻ.