Nghệ nhân Đàm Văn Đào (ảnh), tổ 6, phường Sông Hiến (thành phố Cao Bằng), vừa được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề” Việt Nam năm 2014.
Ông Đào kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm đàn tính. Từ nhỏ, tôi đã có niềm đam mê với cây đàn. Năm 2004, khi nghỉ hưu, tôi bắt đầu dành thời gian để khôi phục lại nghề làm đàn tính của ông cha để lại”.
Làm đàn tính đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, đôi bàn tay khéo léo, phải có nhiều sáng tạo để thay đổi mẫu mã, phù hợp với yêu cầu của khách hàng. Đàn tính có 5 bộ phận chính: Bầu, cần, thủ, mặt và dây đàn. Bầu đàn làm bằng vỏ quả bầu nậm già, vỏ dày, tròn đều. Để có một chiếc bầu đàn chuẩn không bị mối mọt cũng trải qua nhiều công đoạn như: Chọn bầu, ngâm nước, bỏ ruột, phơi trong bóng râm, ngâm nước vôi… Mặt đàn được ông Đào làm bằng gỗ quế bào mỏng, dày khoảng 3 mm. Đo kích cỡ mặt đàn cho chuẩn với bầu đàn rồi ông dùng keo gắn chặt bầu đàn và mặt đàn với nhau. Sau đó, ông lại lấy giấy ráp để ráp nhẵn mặt bầu đàn. Cần đàn được ông làm bằng gỗ thừng mực hoặc gỗ dâu.
Theo ông Đào, cần đàn có chiều dài trung bình từ 60 cm - 80 cm, còn tùy theo sải tay của người chơi và khách hàng đặt. Thủ đàn cong hình lưỡi liềm, mỗi người thợ sẽ chạm khắc bằng tay những hoa văn riêng trang trí cho thủ đàn.
Vừa giải thích, tay ông cầm chiếc đục để khéo léo tạo nên những hoa văn trông rất đơn giản nhưng không phải người thợ nào cũng có thể dễ dàng tạo nên. Tiếp đó, ông đo điểm, đục lỗ trên thủ đàn để lắp tai đàn. Lỗ được đục cũng phải tùy theo bầu đàn to hay nhỏ để có tiếng chuẩn, ông Đào cho biết thêm.
Đàn tính của ông Đào mẫu mã đẹp, tiếng đàn chuẩn nên được nhiều khách hàng trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Lạng Sơn, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mua. Với ông Đào, cây đàn là niềm đam mê từ thời trai trẻ, được chế tác đàn tính, được hát những làn điệu cổ của dân tộc Tày đã là niềm vui và hạnh phúc rồi.
Bài và ảnh: Công Hải