Đảm nhận vị trí chủ tịch phụ nữ xã năm 2018 sau khi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 lúc 36 tuổi, chị Hoàng Thị Nga, người dân tộc Sán Dìu, có cơ hội được tham gia những cuộc họp trên huyện, được tiếp xúc với nhiều chủ tịch phụ nữ các xã, phường khác trên địa bàn. Cũng từ đây, chị Nga nhận thấy sự khác biệt về trang phục, cách đi đứng và sự thua kém về học vấn, khiến chị kém tự tin. Trong quá trình triển khai các phong trào phụ nữ tại địa phương, chị Nga và chị em trong chi hội thôn cũng gặp nhiều khó khăn vì sự đa sắc tộc.
Chị Nga kể: Khoảng 3 năm trước, việc kêu gọi chị em tham các phong trào như “Con đường hoa” cũng rất khó, họ nêu lý do bận đi cấy, dặm ngô và vô số lý do khác. Thực chất, chỉ vì hiểu biết hạn chế nên họ không hợp tác. Muốn chị em tham gia phong trào, cần phải nói cho họ hiểu được vẻ đẹp, giá trị tinh thần mà con đường hoa mang lại. Hay để làm được phong trào “Bát gạo tình thương, nhận đỡ đầu trẻ mô côi, giúp đỡ người già neo đơn”, ngoài tuyên truyền thì phải nêu cao tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, mới nhận được sự chung tay, chia sẻ của chị em.
Về mô hình “Phụ nữ khởi nghiệp, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tính đến nay có trên 500 gia đình hội viên phụ nữ có hơn 1.000 trại gà lợn quy mô từ 200 đến 7.000 con/lứa, lợi nhuận hàng năm trung bình mỗi hộ thu vài trăm triệu đồng.
Hiện tại, chị em không những học hỏi khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, mà còn tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ rất tích cực, đời sống tinh thần được nâng cao, kinh tế ngày càng ổn định và phát triển.
Để hoàn thành 92 danh mục trong các phong trào của phụ nữ những năm qua, chị Nga đã tiên phong trong mọi việc, nhờ đó mà chị em phụ nữ trong xã tham gia hưởng ứng nhiệt tình.
Học hỏi, phát huy năng lực, mang lại hiệu quả công việc, chị Nga đã cùng các hội viên phụ nữ trong xã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, kéo gần khoảng cách giàu - nghèo và xóa bỏ định kiến người dân tộc thiểu số thiếu năng động, thiếu sáng tạo.
Từ một xã nghèo lạc hậu, nằm trong danh sách cuối về các phong trào của phụ nữ, xã Bắc An đã vươn lên đứng tốp đầu trong huyện, vừa được nhận bằng khen của Hội LHPN tỉnh Hải Dương trao tặng.
Khích lệ các hội viên phụ nữ bằng chính câu chuyện của bản thân
Trước mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 hay Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 và tổng kết cuối năm, chị Nga đi gặp gỡ chi hội thôn, chi hội tổ để nắm tình hình gia đình nào có con em chuẩn bị tốt nghiệp trung học phổ thông, có nguyện vọng theo học đại học nhưng bố mẹ lại muốn con dừng việc học để đi làm. Nắm bắt thông tin như vậy là cách để chị Nga có hướng tuyên truyền vận động phù hợp với từng hoàn cảnh.
Bằng chính câu chuyện của bản thân, chị Nga đã kể lại: "Năm đầu tiên tham gia Ban chấp hành Hội phụ nữ huyện, tôi không được đánh giá cao về năng lực, chỉ vì học vấn thấp. Để khẳng định bản thân, tôi đã phải nỗ lực học hỏi, cố gắng rất nhiều để không bị bỏ lại phía sau. Trong Ban chấp hành xã chúng ta có 13 đồng chí, có chủ tịch nhưng không có phó chủ tịch, chỉ vì mọi người chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Có nhiều đồng chí ở đây rất có năng lực, có thể gánh vác tốt công việc, nhưng lại không được đảm nhận vị trí, đó là điều khiến tôi thấy tiếc. Văn hóa thấp chính là rào cản khiến bản thân chúng ta và con em chúng ta tụt hậu. Vậy nên, chúng ta lại hãy động viên, khuyến khích con em mình đi học, học lên cao để thay đổi bản thân, thay đổi cuộc sống".
Những chia sẻ thực tế từ chị Nga đã giúp thay đổi nhận thức của chị em phụ nữ, giúp họ nhận ra rằng không có học sẽ bất cập và gây hệ lụy như thế nào.
Hiện tại, đời sống tinh thần cũng như vật chất giữa các dân tộc không còn nhiều chênh lệch, thôn bản đẹp lên mỗi ngày, nhà cửa to đẹp hơn, khác hẳn những năm về trước. Con em người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Bắc An đều đến trường đi học, không còn trường hợp bỏ học như trước, nhiều con em người dân tộc đã tốt nghiệp đại học và học lên cao học. Tương lai, các em chính là nguồn nhân lực đủ kiến thức và trình độ chuyên môn đóng góp trí lực vào sự phát triển của quê hương.