Một ngày cuối tháng 5/2020, chúng tôi đến thăm căn nhà của mẹ Hồng, số 57 Trần Nhật Duật. Căn nhà tuy nhỏ, nhưng bên trong được bố trí với khoảng sân rộng làm nơi vui chơi, tập thể dục. Phía trong là hai dãy phòng học, phòng chức năng, sau cùng là khu bếp và nơi vệ sinh, trên gác là nơi để các em ngủ nghỉ. Đây chính là ngôi nhà chung của 45 trẻ em có phận đời kém may mắn.
“Hiện ở đây có 45 em đang theo học, trong đó có 15 em bị hội chứng đao, 10 em bị tự kỷ, 15 em câm điếc, còn lại chậm phát triển trí tuệ. Mỗi đứa trẻ đến đây đều không may mắn ngay từ khi mới lọt lòng. Có những em vẫn còn cha mẹ, ngày ngày đến lớp học, tối lại đón về. Có em ở xa thì mỗi tuần về nhà một lần. Nhưng có những em hoàn cảnh rất đáng thương, không có cả người thân bên cạnh, các em ở với tôi và coi tôi như mẹ” - bà Hồng chia sẻ.
Với bà Hồng, cái duyên đưa các em đến với ngôi nhà này rất đỗi tự nhiên. Thời điểm đó, bà Hồng mới 26 tuổi. Sau khi xem buổi biểu diễn ca nhạc của các em khiếm thị, bà đã quyết định dành phần đời còn lại gắn bó với những đứa trẻ kém may mắn ấy. Mặc cho cha mẹ khuyên can, ngăn cản, năm 1987, bà từ Quảng Nam vào Thành phố Hồ Chí Minh mang theo mong ước của mình. Từ năm 1990 - 1995, bà theo học chuyên ngành giáo dục trẻ em đặc biệt do một tổ chức nước ngoài đào tạo. Sau đó, bà tiếp tục theo học các khóa sư phạm tại Thành phố Hồ Chí Minh để hoàn thiện kiến thức cũng như kỹ năng dạy học cho trẻ đặc biệt ở các trung tâm, trường khuyết tật.
Năm 1999, bà đọc báo và biết rằng ở Tây Nguyên chưa có trường dành riêng cho trẻ khuyết tật. Bỏ xứ phồn hoa, bà chọn Gia Lai làm điểm dừng chân. Những đứa trẻ bị khiếm khuyết được bà nhận dạy dỗ, chăm sóc trong Nhà thờ Đức An. Sau này khi số lượng trẻ ngày càng tăng, bà thuê ngôi nhà tại số 57 Trần Nhật Duật và gắn bó cho đến bây giờ.
Dạy dỗ một đứa trẻ bình thường đã khó, với những đứa trẻ đặc biệt này, công việc lại vất vả bội phần. Thế nhưng hơn 30 năm gắn bó, bà Hồng chưa một lần nghĩ sẽ ngưng làm công việc này. “Có lẽ do tôi đã gạt bỏ được hết những vướng bận thường ngày mà dành hết tình thương cho lũ nhỏ đặc biệt nên không cảm thấy chán nản, buồn phiền. Rất nhiều cô giáo muốn đến giúp đỡ nhưng chỉ một thời gian rồi từ bỏ bởi thật sự công việc này rất khó. Chỉ có 1 người còn bám trụ đến tận bây giờ, đó là bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (56 tuổi, ở đường Quyết Tiến, thành phố Pleiku). Bà Lan đã dành 20 năm cuộc đời để cùng tôi chăm chút cho từng đứa trẻ ở lớp học đặc biệt này”- bà Hồng chia sẻ.
Hầu hết, các em khi đến ở đây đều có sự thay đổi lớn theo thời gian. Có em đã biết đọc, biết hát, biết viết và chữ rất đẹp; có em tự chăm sóc cho bản thân và người khác. Các em đã biết cách giao tiếp với bố mẹ, hay với người lạ. Trong đó, em Đỗ Trần Thanh Bình (11 tuổi), bị hội chứng đao hay cô bé Phương Thảo (16 tuổi) chậm phát triển trí tuệ, đã sống cùng với bà Hồng 8 năm. Dù tính cách vẫn còn như đứa trẻ 10 tuổi, nhưng so với các em ở đây thì Thảo chững chạc nhất. Em có thể phụ giúp nhặt rau, nấu canh, tắm rửa và giúp chăm sóc các em nhỏ hơn. “Từ ngày được mẹ Hồng chăm sóc, các con ngoan hơn rất nhiều. Các con đã biết tập thể dục, vẽ, đọc chữ, viết chữ, nói nhiều hơn và tăng cân nữa” - bà Trần Thị Xưa, thôn Tu 2, xã Ia Ga, huyện Chư Prông, vui mừng cho biết.
Rời căn nhà nhỏ khi những tia nắng chiều đã bớt gay gắt, âm thanh ồn ào, tiếng đập phá lẫn la hét, khóc lóc của đám trẻ hòa quyện với tiếng dỗ dành đầm ấm của mẹ Hồng. Hy vọng những tình yêu thương vô bờ bến của mẹ sẽ nâng bước các mảnh đời bất hạnh có được cuộc sống an yên hơn.