Do ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam/dioxin từ bố là bộ đội, năm 1973, cậu bé Nguyễn Đức Trường được sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. Đôi chân bị chứng teo cơ nên đi lại hết sức khó khăn, thường phải nhờ sự trợ giúp của người thân. Vừa châm cứu chữa bệnh, Nguyễn Đức Trường vừa tập đi và đến trường học cùng các bạn.
Suốt những năm tháng tuổi thơ, Trường đã thừa hưởng tình yêu Toán học từ người bố vốn là giáo viên dạy Toán. Tình yêu ấy đã được cậu bé Nguyễn Đức Trường vun đắp ngày qua ngày không chỉ để trang bị kiến thức cho bản thân mà còn là hành trang đưa cậu học trò khuyết tật đến với nghề giáo viên cao quý.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 1993, thầy giáo Nguyễn Đức Trường về nhận công tác tại Trường Trung học cơ sở Đa Tốn. Đến năm 2001, vừa giảng dạy tại trường, thầy vừa tiếp tục học Đại học sư phạm để nâng cao trình độ chuyên môn.
Về môn Toán học, thầy giáo Nguyễn Đức Trường chia sẻ, nhiều học sinh vốn cho rằng Toán rất khó, khô khan. Để xóa bỏ suy nghĩ đó, bằng những kinh nghiệm giảng dạy môn Toán và niềm say mê với môn học này của bản thân, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã tìm ra những phương pháp giảng dạy linh hoạt, khơi gợi và khuyến khích tính chủ động, khả năng tự học ở học sinh. Trong các giờ Toán của thầy, học sinh được phát huy tối đa năng lực, các em đã trở thành những “chuyên gia” nghiên cứu, sưu tầm, phân dạng bài tập... để triển khai thực hiện các chuyên đề của thầy đưa ra.
“Để tạo sức hấp dẫn cho môn Toán, tôi đã đưa vào bài giảng những bài toán có tính thực tiễn cuộc sống. Đó là các đề toán vui, toán đố làm đường, tường rào, xây nhà... Học sinh rất hứng thú với dạng bài tập này bởi sự gần gũi và quen thuộc. Như thế, các em dần yêu môn Toán và say mê với Toán”, thầy Nguyễn Đức Trường chia sẻ.
Cũng có không ít học sinh từ niềm tin yêu, ngưỡng mộ thầy mà quyết tâm học để trở thành giáo viên dạy Toán, tiếp bước thầy truyền ngọn lửa đam mê cho các thế hệ sau. Trong hành trình xây dựng niềm đam mê Toán cho học sinh, thầy Trường nhớ mãi về em Nguyễn Thọ Tùng, sinh năm 1991, khi ấy là học sinh của Trường Trung học cơ sở Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), tham gia đội tuyển học sinh giỏi của huyện do thầy hướng dẫn.
“Một hôm, em mang đến đưa cho tôi một công trình về việc phát triển một bài toán mà trước đó tôi chỉ giảng mang tính chất gợi mở. Nhận ra tố chất Toán học của em, tôi đã khuyên em theo đuổi niềm đam mê Toán học. Được tuyển chọn dự thi quốc tế, em Tùng đã tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê và đã trở thành một trong những người xuất sắc về Toán học của Việt Nam. Hiện nay, em đang học Tiến sĩ tại Mỹ và hai thầy trò vẫn thường xuyên trao đổi những kiến thức mới về môn Toán”, thầy Trường tâm sự.
Không chỉ đảm nhiệm công tác giảng dạy tại trường, thầy Nguyễn Đức Trường còn là cộng tác viên của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của huyện, giành nhiều thành tích cao. Những năm học vừa qua, lớp do thầy Trường phụ trách luôn được đánh giá cao: xếp loại giỏi 80%, nhiều học sinh đã đoạt giải cao tại các kỳ thi cấp thành phố, cấp quốc gia, một số học sinh đã đỗ các trường chuyên như Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung học phổ thông Chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trung học phổ thông Chuyên Sư phạm Hà Nội, cũng có học sinh sau này đã đỗ Thủ khoa các trường Đại học.
Là Tổ trưởng tổ Tự nhiên Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, cộng với niềm say mê sẵn có với môn Toán, thầy giáo Nguyễn Đức Trường đã tìm ra phương pháp truyền cảm hứng đến các đồng nghiệp. Thầy đã cùng các đồng nghiệp xây dựng nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để đổi mới phương pháp giảng dạy. Mỗi năm học, tổ Tự nhiên do thầy Trường phụ trách đã bồi dưỡng hàng trăm em học sinh của huyện. Trung bình có từ 40 - 50 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện; 5 - 8 học sinh đạt học sinh giỏi cấp thành phố.
Niềm khao khát truyền lửa đam mê môn Toán còn được thầy Nguyễn Đức Trường thể hiện bằng những bài viết trên các tạp chí chuyên ngành, những cuốn sách tham khảo về môn Toán. “Đó chính là những bài giảng được tôi ghi chép lại cẩn thận. Những kinh nghiệm được đúc kết từ nhiều năm giảng dạy được tôi đưa vào bài viết, vào sách”, thầy Trường tâm sự.
Từ phong trào viết sáng kiến kinh nghiệm của Trường Trung học cơ sở Đa Tốn, thầy Nguyễn Đức Trường đã có 24 sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, 13 sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố được xếp loại. Thầy cũng đóng góp nhiều bài báo chuyên ngành và tham gia biên soạn 31 đầu sách về giảng dạy môn Toán được xuất bản. Điển hình như bộ sách gồm 8 cuốn “Trọng tâm kiến thức và phương pháp giải bài tập” xuất bản năm 2012 viết riêng; bộ “Các chuyên đề chọn lọc trung học cơ sở” xuất bản năm 2015 viết chung với các tác giả khác.
Việc thầy giáo Nguyễn Đức Trường trở thành một trong mười cá nhân được UBND thành phố Hà Nội tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2020 không chỉ ghi nhận những đóng góp của thầy đối với sự nghiệp giáo dục Thủ đô, mà còn là niềm vui chung của ngôi trường mà thầy đã gắn bó 27 năm. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Đa Tốn Nguyễn Đức Tuấn cho biết: “Tuy thầy Trường rất thiệt thòi về sức khỏe nhưng thầy luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, luôn luôn đi đầu, tâm huyết với nghề, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ. Thầy đã làm lan tỏa tình yêu nghề với các giáo viên trong trường, là tấm gương về nghị lực vượt khó đối với các thế hệ học trò”.
Có lẽ đối với mỗi người giáo viên, điều quan trọng nhất không chỉ dừng lại ở việc học sinh hiểu bài mà chính là làm thế nào để truyền được cảm hứng của môn học đến với học sinh. Cảm hứng ấy không đơn thuần là truyền đạt kiến thức, kỹ năng mà còn phải thắp lên được ngọn lửa của tình yêu tri thức để học sinh tự học, tự dưỡng, tự hoàn thiện. Điều khó ấy đã và đang được thầy giáo Nguyễn Đức Trường thực hiện hằng ngày, hằng giờ theo cách giản dị, tự nhiên bằng chính nghị lực sống mạnh mẽ, sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong từng bài giảng của mình.