Nhà giáo ưu tú Trần Thị Nguyệt trong giờ giảng dạy trên lớp. Ảnh: Quân Trang/TTXVN
|
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông anh em ở huyện miền núi Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, ngay từ nhỏ, cô Nguyệt đã có ước mơ cháy bỏng là trở thành giáo viên. Trò chơi yêu thích ngày ấy của cô và đám trẻ cùng trang lứa là mở một lớp học nhỏ, lấy tấm phên gỗ giả làm bảng đen, than củi làm phấn và cô giáo nhỏ say sưa giảng bài về những câu chuyện thuở ấu thơ.
Mơ ước ấy là động lực để cô quyết tâm dự thi vào Trường Đại học sư phạm Việt Bắc (nay là Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên). Sau những năm tháng miệt mài đèn sách, ra trường, cô được phân công về giảng dạy tại Trường Phổ thông vùng cao Việt Bắc. Năm 1994, tại ngôi trường này, cô đã dìu dắt một học trò đoạt giải học sinh giỏi quốc gia môn Văn - giải thưởng cao nhất đầu tiên của trường thời điểm đó. Năm 1995, khi Trường phổ thông năng khiếu Bắc Thái, nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Thái Nguyên tổ chức thi tuyển giáo viên, cô đã đăng kí tham dự và đạt điểm cao. Đây cũng chính là ngôi nhà mà cô gắn bó từ đó đến nay.
Trò chuyện với cô, chúng tôi nhận thấy rõ, nhiệt huyết, lòng yêu nghề trong trái tim người giáo viên ấy chưa bao giờ tắt sau gần 30 năm công tác. Cô Nguyệt chia sẻ: “Mỗi giờ lên lớp với tôi là một niềm vui, bởi được trò chuyện cùng các em, lắng nghe các em chia sẻ, từ đó, cô trò hiểu nhau hơn, tôi cũng hiểu học sinh hơn để đưa ra cách truyền đạt hiệu quả nhất trong mỗi bài giảng”.
Chính vì đam mê với nghề nên cô luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng lứa tuổi. Ngoài ra, cô luôn hướng học sinh sáng tạo trong học tập, bởi theo cô Nguyệt, môn Ngữ văn góp phần giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng, hoàn thiện nhân cách cho học sinh, học Văn tốt còn giúp các em ứng xử văn minh hơn, có tâm hồn rộng mở và lãng mạn.
Em Nguyễn Hà Vy, học sinh lớp Văn 11, Trường THPT chuyên Thái Nguyên chia sẻ: “Với mỗi bài giảng, cô Nguyệt đều hướng dẫn chúng em nhiều cách tiếp cận để có khả thể sáng tạo, nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc, toàn diện hơn. Cô cũng đưa ra những liên hệ thực tế trong cuộc sống gắn với nội dung tác phẩm để chúng em dễ hiểu bài hơn”.
Ngoài tình cảm yêu quý của học sinh, cô giáo Trần Thị Nguyệt còn được đồng nghiệp cảm phục, tôn trọng. Nhiều thế hệ học sinh dưới sự chỉ bảo của cô đã thành đạt ở các lĩnh vực. Cô Đinh Thị Thu Hương, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Thái Nguyên, học trò cũ của cô Nguyệt cho biết: “Cô là người đã truyền cảm hứng, giúp đỡ tôi trong những năm tháng phấn đấu trở thành một giáo viên dạy Văn như hiện nay. Không chỉ với tôi, bất cứ đồng nghiệp nào trong trường cô cũng đều chia sẻ, giúp đỡ nhiệt tình. Cô thường quan tâm đến những giáo viên trẻ, góp ý, hướng dẫn họ trau dồi kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao chất lượng chuyên môn”.
Không chỉ chú trọng công tác chuyên môn, cô Nguyệt còn nhiệt tình trong các hoạt động của trường. Với vai trò là Tổ trưởng tổ Ngữ văn, cô luôn gương mẫu, xây dựng một tập thể đoàn kết, gắn bó, đạt thành tích cao trong công tác giảng dạy. Trong gần 30 năm công tác, cô giáo Trần Thị Nguyệt đã bồi dưỡng được gần 50 học sinh giỏi cấp quốc gia và hàng trăm học sinh giỏi cấp tỉnh.
Thầy giáo Nguyễn Quang Thuấn, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thái Nguyên cho biết: Cô Nguyệt là tấm gương điển hình về sự tận tụy, lòng thương yêu học sinh và truyền lửa thi đua cho đồng nghiệp trong trường.
Thời gian qua, cô giáo Trần Thị Nguyệt đã nhận được nhiều phần thưởng của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên. Mới đây, cô vinh dự là 1 trong 70 điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Song với cô, phần thưởng cao quý nhất chính là niềm tin yêu của các thế hệ học trò dành cho mình trong sự nghiệp trồng người mà cô nguyện gắn bó cả cuộc đời.