Thượng úy Lê Đăng Linh. Ảnh: dantri.com.vn |
Thượng úy Lê Đăng Linh kể lại: Hôm đó trên đường đi công tác trở về đơn vị, khi đến khu vực xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, anh Linh đã nhìn thấy một chiếc túi xách màu đỏ ai đó đánh rơi ven đường.
Thời điểm đó trời đang mưa, xung quanh lại không có ai nên Linh mở túi xách ra kiểm tra và thấy bên trong có hơn 46 triệu đồng tiền mặt, chiếc nhẫn kim loại màu vàng; cùng với 1 giấy mua bán đất viết tay có tên người bán là Huỳnh Ninh, địa chỉ ở tỉnh Khánh Hòa.
Thượng úy Linh đã quyết định mang chiếc túi xách đó về Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng báo cáo; đồng thời anh cũng tìm cách thông tin tới người có tên trong giấy tờ để trong chiếc túi xách trên.
Sau một tuần thông tin tới người có tên trong tờ giấy mua bán đất là ông Huỳnh Ninh và thông qua mạng xã hội đăng tải thông tin, gia đình người mất đã biết tin và liên lạc với Thượng úy Linh. Đúng như Thượng úy Linh suy đoán, chủ nhân của số tài sản trên là một gia đình nghèo, ông Huỳnh Tịnh (65 tuổi) làm nghề chạy xe ôm và vợ là bà Điểm Thị Bích Loan (53 tuổi làm nghề bán hàng rong).
Số tài sản trong túi xách là của ông bà tích cóp để mua một mảnh đất làm chỗ ở, bởi hiện nay họ vẫn phải đi thuê nhà ở và mưu sinh tại thành phố Đà Lạt. Người có tên trong tờ giấy mua bán đất là ông Huỳnh Ninh (anh trai của ông Huỳnh Tịnh).
Nguyên nhân dẫn đến việc bị mất tài sản là: Hôm đó, hai vợ chồng ông Ninh đem số tiền, vàng tích cóp được về quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, mua lại mảnh đất của người anh trai để làm chỗ ở. Do trời bất chợt mưa, hai vợ chồng ông Ninh dừng lại bên đường mặc áo mưa, rồi đánh rơi chiếc túi xách trên. Nghĩ là không còn chút hy vọng nào nên họ không báo với cơ quan chức năng.
Thượng úy Lê Đăng Linh, sinh năm 1974, quê ở Nghệ An. Học xong phổ thông, Linh thi vào trường Sĩ quan lục quân 2, song không đạt được mơ ước. Sau đó, Linh theo người cô vào Lâm Đồng làm ăn, năm 1995 Linh tình nguyện đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Lê Đăng Linh đã trải qua nhiều vị trí, đơn vị công tác, như làm chiến sỹ tại đơn vị trinh sát, đi học Quân y và về công tác tại các đơn vị đóng quân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Một trong những giai đoạn công tác đáng nhớ nhất của Linh là thời gian 5 năm đi làm công tác dân vận ở Đội công tác 123 tại huyện Đam Rông. Đơn vị của Linh thực hiện nhiệm vụ “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng địa phương” với đồng bào dân tộc ở địa bàn khó khăn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Năm 2007, Linh đã được kết nạp Đảng.
Được biết hoàn cảnh gia đình Thượng úy Lê Đăng Linh hiện cũng còn nhiều khó khăn. Vợ Linh là giáo viên mầm non diện hợp đồng ở huyện Lạc Dương; vợ và 2 con anh vẫn phải ở nhà thuê. Còn Linh mới chuyển về công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, ở nhà tập thể của đơn vị.
Sau khi được nhận lại số tài sản bị mất, vợ chồng ông Huỳnh Tịnh đã tìm đến nhà, biếu vợ chồng Thượng úy Lê Đăng Linh 5 triệu đồng, nhưng vợ chồng anh Linh không nhận.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức tuyên dương Thượng úy Lê Đăng Linh và phát động cán bộ, chiến sỹ học tập việc làm đẹp của Thượng úy, y sỹ Lê Đăng Linh.