Nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ người yếu thế trong xã hội

Để hỗ trợ một phần khó khăn cho người dân nghèo trong những ngày cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, ngày 21/4, tại tỉnh Vĩnh Long đã chính thức vận hành hai máy “ATM gạo” đầu tiên.

Chú thích ảnh
Người dân nhận gạo ở máy “ATM gạo” tại trụ sở Ủy ban nhân dân phường 3, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN

Hai máy "ATM gạo" này được đặt ở trụ sở Ủy ban nhân dân Phường 3, thành phố Vĩnh Long và tại số 67/5D, đường Phạm Thái Bường, phường 4, thành phố Vĩnh Long; vận hành theo phương thức người dân bấm nút để tự nhận gạo. Trong quá trình đến nhận gạo, người dân đều được hướng dẫn các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh như: không tập trung đông người, đứng cách nhau 2m, đeo khẩu trang, rửa tay bằng nước sát khuẩn theo quy định.

Tại phường 3, thành phố Vĩnh Long, ngay từ sáng sớm, hệ thống loa truyền thanh đã phát đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, đối tượng hỗ trợ gạo, các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi đến nhận gạo. Nhiều người dân đã đến và xếp hàng chờ đến lượt mình. Dù trong một ngày, mỗi người chỉ được nhận 2 kg gạo nhưng ai cũng vui vì cảm nhận được sự sẻ chia từ cộng đồng.

Bà Nguyễn Thị Tốt, ngụ tại phường 3, thành phố Vĩnh Long cho biết, hàng ngày bà bán xôi để có thu nhập trang trải cuộc sống. Được địa phương thông tin về việc thực hiện giãn cách xã hội, bà cũng tạm nghỉ bán ở nhà hơn 2 tuần nay để phòng tránh dịch bệnh.

"Ở nhà không buôn bán được là không có tiền, cơm gạo qua ngày cũng rất khó khăn. Nghe phường có hỗ trợ gạo hàng ngày, tôi rất mừng. Hôm nay nhận 2 kg về ăn đến khi nào hết thì ra nhận tiếp chứ không dám ra lấy hoài, để phần cho người khác nữa", bà Tốt chia sẻ. 

Theo ông Châu Nguyễn Minh Thức - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 3, thành phố Vĩnh Long, chiếc máy "ATM gạo” này do một "mạnh thường quân" ở Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho phường để chia sẻ khó khăn với người dân. Hiện tại, phường đã vận động được 6 tấn gạo, nhưng do số lượng người khó khăn còn nhiều và dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên địa phương tiếp tục vận động kinh phí để cố gắng duy trì hoạt động máy "ATM gạo" đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, khó khăn của người dân tạm qua đi.

Trong ngày 21/4, trên đường Phạm Thái Bường, phường 4, thành phố Vĩnh Long, chiếc máy “ATM gạo” do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long vận động cũng chính thức vận hành. Hàng trăm túi gạo đã trao đến tay các hộ nghèo, người bán vé số với hy vọng chia sẻ gánh nặng với những người thật sự cần giúp đỡ.

Trong ngày đầu tiên vận hành, mặc dù còn nhiều khó khăn do người dân chưa quen cách sử dụng chiếc máy, chưa nắm hết các quy định đảm bảo phòng, chống dịch nhưng nhờ sự hỗ trợ của lực lượng đoàn viên, những hộ dân dù lớn tuổi, tật nguyền đều có thể nhận được những phần gạo cho mình.

Bà Nguyễn Thị Năm, ngụ tại phường 4, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long cho biết, gia đình bà cũng khó khăn, đông người mà giờ mất thu nhập từ việc bán vé số. Khi nhận được hỗ trợ gạo bà rất vui. Bà Năm cho biết: "Giờ được hỗ trợ ngày nào thì mừng ngày đó, chờ qua dịch bệnh sẽ tiếp tục đi bán lại để có tiền lo cơm gạo hàng ngày".

Bí thư Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long Võ Bé Năm cho biết: "Hiện tại, đơn vị đã vận động được 11 tấn gạo. Dự kiến sẽ vận hành máy "ATM gạo" tại thành phố Vĩnh Long trong 3 ngày, sau đó di chuyển đến các địa phương khó khăn của tỉnh. Hiện tại có nhiều đơn vị, cá nhân đăng ký đóng góp gạo để duy trì hoạt động của máy. Căn cứ trên số lượng gạo đóng góp chúng tôi sẽ tổ chức phát tại các huyện cho phù hợp, cố gắng để tất cả những người thật sự khó khăn đều được nhận gạo”.

Trong tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều người nghèo đang chịu tác động, ảnh hưởng đến nguồn thu nhập, việc lan tỏa những mô hình thiện nguyện thiết thực, hiệu quả như mô hình "ATM gạo" là rất cần thiết. Những chiếc máy "ATM gạo" vơi đi rồi lại đầy không chỉ là niềm vui của người dân nghèo mà là động lực để những người thực hiện mô hình tiếp tục hành trình giúp người nghèo, người yếu thế vượt qua khó khăn, đồng hành nhân dân cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

* Ngày 21/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 1029/QĐ-UBND về tạm cấp 173 tỷ đồng (đợt 1) từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã và thành phố để bổ sung kinh phí thực hiện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ.

Theo đó, nguồn ngân sách này sẽ được phân bổ cụ thể cho các huyện: Phong Điền 36,8 tỷ đồng, Quảng Điền 25,4 tỷ đồng, Phú Vang 35,5 tỷ đồng, Phú Lộc 15,4 tỷ đồng, Nam Đông 7 tỷ đồng, A Lưới 9,9 tỷ đồng; thị xã Hương Trà 26,4 tỷ đồng và thị xã Hương Thủy 6,6 tỷ đồng; thành phố Huế 10 tỷ đồng.

Quyết định nêu rõ, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố sẽ sử dụng nguồn ngân sách của địa phương theo quy định tại Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó, 50% nguồn dự phòng ngân sách huyện, xã; nguồn cải cách tiền lương còn dư tại ngân sách huyện, thị xã, thành phố và nguồn kinh phí tỉnh Thừa Thiên - Huế được tạm cấp đợt này để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Những đối tượng được nhận tiền đợt này gồm nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia trong danh sách đến ngày 31/12/2019, kể cả các đối tượng thuộc chính sách đặc thù do tỉnh quy định.

Đồng thời, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách huyện, thị xã, thành phố để chi trả kịp thời cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách. Trường hợp địa phương không đảm bảo cân đối ngân sách, sau khi đã sử dụng hết các nguồn kinh phí nêu trên, có văn bản báo cáo gửi Sở Tài chính để cân đối, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế bổ sung.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có trên 12.900 hộ nghèo, gần 14.000 hộ cận nghèo, khoảng 57.000 đối tượng bảo trợ ngoài xã hội và đang thực hiện chi trả chế độ hàng tháng cho trên 18.800 đối tượng người có công với cách mạng.

Thúy Hằng - Đỗ Trưởng (TTXVN)
Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch COVID-19 từ những 'ATM gạo'
Ấm lòng người nghèo trong mùa dịch COVID-19 từ những 'ATM gạo'

Những "ATM gạo" đang vận hành ở khắp mọi miền đất nước đã kịp thời hỗ trợ phần nào cho người dân có hoàn cảnh khó khăn có được bữa cơm ấm cúng trong đợt dịch bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN