Mẹ Khuất Thị Lợi, nhà Hoa Loa Kèn tết tóc cho con gái với tình yêu thương chân thành. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Không chỉ có tình yêu thương, bằng sự nhiệt tình, tâm huyết và tận tụy với công việc, các mẹ, các dì SOS đã chăm lo cho trẻ từng miếng ăn, từng giấc ngủ, xây đắp nên tổ ấm gia đình, bù đắp những thiếu thốn tình cảm, là chỗ dựa ổn định lâu dài và mang lại hạnh phúc cho các em nhỏ tại làng trẻ em SOS. Bản thân họ cũng tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc từ những đứa trẻ mà họ chăm sóc.
Chúng tôi đến thăm nhà Hoa Cẩm Chướng của mẹ Nguyễn Thị Thảo khi chị và hai mẹ khác đang làm bánh quẩy cho các con, trong khi những đứa trẻ vẫn đi học chưa về. Căn nhà nhỏ, đơn giản được bài trí gọn gàng là tổ ấm của mẹ Thảo và 7 người con. Cô con gái lớn đang học lớp 8, cô út đang học lớp mẫu giáo 5 tuổi.
Chị Thảo đã có 3 năm giữ vai trò làm mẹ tại Làng trẻ em SOS Hà Nội. Chị kể, thời gian đầu xuống làm quen với trẻ là lúc khó khăn, vất vả nhất. Bọn trẻ nhà chị lúc đó đang sống quen với một người mẹ khác nhưng khi mẹ đó tới tuổi nghỉ hưu, chúng phải thay mẹ nên có nhiều bỡ ngỡ, khó hòa nhập. Các con lúc đầu cũng dè chừng, xem xét thái độ của chị. Tuy nhiên, qua thời gian sống chung, bằng tình cảm chân thành, sự yêu thương, quan tâm chăm sóc của chị, các con đã cảm nhận được và chấp nhận chị. “Khi được nghe chúng gọi là “mẹ” lúc đó vui lắm”, Chị Thảo tâm sự.
Còn chị Khuất Thị Lợi, nhà Hoa Loa Kèn, vẫn nhớ như in cảm giác xúc động đến nghẹn ngào khi thấy một bé gái được ông ngoại đưa đến và nói với bé: chị là mẹ của bé. Đó là lần đầu tiên, nhà Hoa Loa Kèn của chị bắt đầu đón trẻ. Thời gian đầu “làm mẹ” là lúc khó khăn nhất. Đêm đầu tiên cả bảy người con đều khóc vì nhớ nhà. Lúc đó, chị cùng con trai lớn đi dỗ dành từng con rồi mắc màn cho các con ngủ. Chị cho hay, bản thân lúc đầu rất lo sợ khi đón một đàn con, mỗi con một tính nết, một hoàn cảnh. Nhiều đêm chị thức trắng lo cho các con, lo gắn kết những mảnh đời kém may mắn thành một mái ấm gia đình có mẹ, có anh chị em, cộng đồng làng xóm.
Mẹ Khuất Thị Loan, nhà Hoa Lay Ơn hướng dẫn các con gái cách nấu cơm canh tại gia đình. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN |
Chị Khuất Thị Loan, nhà Hoa Lay Ơn, chia sẻ, con cái mỗi đứa mỗi tính nhưng các cháu lớn thường là những người khó “mở lòng” nhất. Nhiều lúc con ngang bướng, nói không nghe cũng cảm thấy buồn. Những lúc bực mình chị nói sẽ bỏ chúng đi nhưng trong lòng thực sự không thể bỏ chúng được. Chị Loan cho biết, đã quen với cuộc sống tại làng SOS và coi đây như là nhà của mình nên chẳng còn háo hức về quê. Những khi có việc phải về, chị chỉ nhanh chóng làm cho xong để nhanh được về nhà với các con.
Những bà mẹ SOS chỉ muốn dành tình yêu của mình để bù đắp lại phần nào tình cảm bị khuyết thiếu của những đứa trẻ tội nghiệp. Hơn 11 năm gắn bó với công việc tại Làng trẻ em SOS Hà Nội, chị Kiều Thị Hương, nhà Hoa Ngọc Lan cho hay, việc giáo dục trẻ nhiều khi không được như ý muốn nhưng do điều kiện nghề nghiệp như vậy nên chị thấy nếu có tâm huyết và yêu nghề thì sẽ vượt qua được hết. Có nhiều khi chị cũng cảm thấy mệt mỏi, buồn chán nhưng chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ bỏ nghề, bỏ trẻ.
Đáp lại tình yêu thương của các mẹ, các dì, những năm qua, nhiều con của các mẹ, các dì đã trưởng thành, có cuộc sống riêng đều vẫn coi làng trẻ em SOS là nhà của mình, những bà mẹ, bà dì SOS là những người sinh ra họ lần thứ hai. Mỗi dịp lễ Tết, kì nghỉ trong các căn nhà của Làng trẻ em SOS đều rộn rã tiếng cười của những người con trai, gái, dâu, rể, cháu về thăm nhà. Không mong muốn gì cho bản thân, các bà mẹ SOS chỉ mong các con có được cuộc sống ấm no, được nhìn con trưởng thành và có cuộc sống hạnh phúc. Chỉ thế thôi đã đủ để họ mãn nguyện và tạo động lực giúp họ tiếp tục công việc chăm sóc cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.