Clip ‘Hà Nội xanh’ - Những ‘Chiến binh dọn rác’:
Buổi thu dọn rác tại cầu Mậu Lương 1 (khu đô thị Xa La, đường Phúc La, Kiến Hưng, Hà Đông) chiều 5/3 của nhóm tình nguyện “Hà Nội xanh” thu hút được khoảng 30 tình nguyện viên tham gia.
Để bắt đầu buổi dọn rác, Lê Minh Hiếu (sinh năm 1990, một trong 2 người sáng lập dự án “Hà Nội xanh”) nhắc nhở mọi người mặc quần áo bảo hộ, ủng, găng tay… trước khi phân công các nhóm tới từng khu vực dọn. Đoạn sông cần dọn khoảng 20 m từ chân cầu Mậu Lương 1 đang ken đặc rác khiến dòng chảy gần như bị tắc nghẽn.
Đúng 12 giờ 30 phút công việc bắt đầu. Lê Minh Hiếu dự báo phải mất khoảng 5 giờ đồng hồ để hoàn tất công việc nên các bạn tình nguyện viên sẽ phải liên tục thay phiên, dành cho nhau quãng nghỉ để giữ gìn sức khỏe.
Các vật dụng hỏng, rác thải, túi nilon… phủ kín hai bên bờ sông Nhuệ bốc mùi khó chịu nhưng mọi người đều rất sẵn sàng vui vẻ với công việc dọn dẹp vất vả này.
Lê Minh Hiếu chia sẻ: Cái khó nhất của công việc dọn rác là các đoạn sông ô nhiễm khá nặng, rác thải rắn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây chấn thương cho các tình nguyện viên khi giẫm, mắc hay va quệt phải. Để đảm bảo sức khỏe, các vật dụng bảo hộ đều phải là đồ chuyên dụng và được chuẩn bị từ trước rất kỹ càng.
Nguồn kinh phí để chuẩn bị đồ bảo hộ ban đầu do Hiếu và trưởng nhóm “Hà Nội xanh” Nguyễn Tiến Huy đóng góp. Tới nay, với sự lan tỏa của dự án, “Hà Nội xanh” nhận được cả ủng hộ một số người biết đến dự án qua các trang mạng xã hội.
Bên cạnh việc trang bị đồ bảo hộ, trưởng nhóm cũng yêu cầu muốn xuống nước vớt rác phải có giấy chứng nhận đã tiêm phòng uốn ván. Người chưa tiêm phòng được phân công nhặt rác trên bờ hoặc đưa phế thải đã được đóng gói đến nơi tập kết. Tất cả là để ưu tiên sự an toàn của các tình nguyện viên.
Đến 14 giờ, số lượng rác thu gom được ước tính là khoảng 300 kg. Một khúc sông Nhuệ đã trở nên thoáng đãng đến bất ngờ nhờ bàn tay của các tình nguyện viên trẻ tuổi. Niềm vui ánh lên trong mắt các bạn trẻ.
Chứng kiến những gì nhóm “Hà Nội xanh” làm được, bạn Nguyễn Sơn Lâm (sinh năm 1994), sống tại chung cư Nam Xa La đối diện cầu Mậu Lương 1 chia sẻ: “Điểm cầu Mậu Lương và sông Nhuệ khá ô nhiễm sát khu dân cư. Nước thải sinh hoạt và nhiều người dân hay tập kết vứt rác kèm theo rác thải xây dựng tại ven chân cầu. Việc dọn dẹp của các bạn mới chỉ 2 ngày khiến cho dòng nước sạch hơn, thông thoáng, cảnh quan cũng đẹp hơn rất nhiều”.
Nói về ngày đầu tiên đến với hoạt động dọn rác, bạn Thủy Nghi (sinh năm 2002, sinh viên trường đại học Văn hóa) cho biết khi tìm hiểu về nhóm tình nguyện bạn không hề cảm thấy e ngại mà đăng ký làm thành viên của nhóm luôn. Thủy Nghi thấy hào hứng và vui khi có rất nhiều người tới và dọn dẹp cùng nhau.
“Hà Nội xanh” là dự án của hai thanh niên trẻ Nguyễn Tiến Huy và Lê Minh Hiếu. Làm việc trong lĩnh vực marketing, hai bạn trẻ năng động có điều kiện tham gia nhiều dự án xã hội. Sinh sống và làm việc ở Hà Nội khá lâu, hai bạn trẻ thường xuyên thấy những địa điểm công cộng, dân cư rất nhiều rác thải, ô nhiễm.
Cuối năm 2022, hai bạn quyết định thành lập nhóm với mong muốn lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường đến nhiều người. Từ chỗ chỉ có 4 thành viên nam, cả Huy và Hiếu đều thấy bất ngờ khi chỉ sau 2 tháng, “Hà Nội xanh” lan tỏa bất ngờ tới 150 thành viên, đa phần là học sinh, sinh viên, các công nhân lao động đến từ khắp nơi trong thành phố. Hiếu cho biết, trong số các tình nguyện viên hiện tại có tới gần một nửa là các bạn nữ. Có cả phụ huynh đưa các bạn học sinh chỉ mới 15 tuổi để cùng tham gia hoạt động.
Lịch hoạt động của nhóm khá dày với trung bình một tuần từ 4 - 5 buổi dọn rác. Vì vậy, để kịp thời thông báo địa điểm, kế hoạch hay số người cần huy động, trưởng nhóm Tiến Huy sẽ thông báo trong nhóm. Các tình nguyện viên thu xếp được thời gian sẽ đến thẳng địa điểm làm việc.
Cuối mỗi buổi dọn anh Tiến Huy sẽ liên hệ để gọi được một xe rác của công ty môi trường đến và đưa toàn bộ rác thải trong ngày đi. Cứ lần lượt như thế mà đã gần 30 chuyến thu gom, dọn rác được tổ chức thành công từ “Hà Nội xanh”. Với phương châm “đi đến đâu sạch đến đấy”, các bạn trẻ đang tỏa đi mỗi ngày để cùng cho chất lượng cuộc sống người dân tốt hơn, lan tỏa được thông điệp tốt đẹp đến cho xã hội.