Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở - Bài cuối: Đồng lòng giữ vững trận địa chống dịch

Khi trở lại nơi tuyến đầu chống dịch tại cơ sở, các cán bộ tuyến đầu vẫn đang vượt lên những mất mát, gian khổ để cùng chính quyền, đoàn thể tiếp tục giữ vững thành quả chống dịch, đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường mới.

Chú thích ảnh
Chị Vũ Thị Nguyệt vẫn hàng ngày tham gia công tác chăm lo an sinh cho người dân khó khăn trên địa bàn.

Chưa thể rời “pháo đài”

Mặc dù từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh bước vào giai đoạn bình thường mới, tuy nhiên những công việc của các cán bộ cơ sở vẫn diễn ra ngày đêm. Chính vì thế, dù không còn phải thực hiện “ba tại chỗ”, nhưng do khối lượng công việc chưa giảm nên các cán bộ cơ sở vẫn dành trọn thời gian ở cơ quan, đơn vị và chưa thể về với người thân.

Chị Vũ Thị Nguyệt, Ủy viên Thường vụ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Tân Bình cho biết, hiện nay các lực lượng tình nguyện, quân đội đang dần rút sau thời gian tham gia hỗ trợ địa phương chống dịch. Các lực lượng hỗ trợ rút quân nhưng công việc chăm lo, an sinh cho người dân vẫn tiếp tục bởi nhiều người dân vẫn còn rất khó khăn.

Chú thích ảnh
Lực lượng quân đội vẫn đang cùng tham gia hỗ trợ công tác an sinh tại TP Hồ Chí Minh.

“Trước kia, khi có lực lượng hỗ trợ thì cán bộ cơ sở có thêm thời gian nghỉ ngơi, nhưng hiện nay, lực lượng này đã rút thì khối lượng công việc của cán bộ cơ sở lại phải tăng thêm. Trong khi đó, công việc chuyên môn vẫn phải thực hiện và kiêm thêm công tác chăm lo an sinh cho người dân”, chị Nguyệt cho biết.

Hiện nay, các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục triển khai các chương trình an sinh để hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn. Các cán bộ đi từng nhà, gọi từng tên để trao gói hỗ trợ đợt 3, tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà an sinh và vận động chăm lo cho các trẻ có cha mẹ tử vong do COVID-19; tiếp tục vận động doanh nghiệp, đoàn thể, cá nhân chung tay cùng địa phương chăm lo cho người dân trên địa bàn…

Theo chị Vũ Thị Nguyệt, đối với cán bộ cơ sở, hoạt động chăm lo an sinh vẫn còn nhiều khó khăn từ khâu thống kê, rà soát các đối tượng cho kịp thời gian, tiến độ và phải làm suốt ngày đêm. Nhưng khi nhận được lời cảm ơn của người dân khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng, có thêm động lực để tiếp tục công việc chăm lo cho người dân trong cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19.

Để kịp thời trao hỗ trợ đợt 3 cho người dân, cán bộ tại các phường của quận Tân Bình vẫn phải thức thâu đêm, nhiều cán bộ đã hết thời gian “ba tại chỗ” nhưng vẫn xin ở lại cơ quan để kịp hoàn thành công việc. “Tính đến nay, quận Tân Bình đã trao được 97.931/274.698 người theo gói hỗ trợ đợt 3 và chăm lo được cho gần 80 em học sinh có cha mẹ mất vì COVID-19; đồng thời tiếp tục trao 6.000 phần quà an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn... Suốt 4 tháng qua, công việc của cán bộ cơ sở tuy vất vả, nhưng với chúng tôi, chứng kiến cảnh người dân khó khăn nhận được sự giúp đỡ và nhận được những lời cảm ơn của người dân", chị Vũ Thị Nguyệt nói. 

Chú thích ảnh
Một bức ảnh hiếm hoi chụp hai chị em Nguyễn Thị Hoàng Anh và Nguyễn Hoàng Anh Thư (bìa phải). Ảnh: GĐCC 

Trong khi đó, sau khi nữ Bí thư Đoàn Nguyễn Thị Hoàng Anh qua đời, em gái của Hoàng Anh là em Nguyễn Hoàng Anh Thư lại tiếp tục công việc đang còn dang dở của người chị: đi vận động các nhà hảo tâm chăm lo cho người dân, phát cơm từ thiện cho các gia đình trong các khu nhà trọ, tham gia hỗ trợ các điểm tiêm phòng COVID-19… Anh Thư phân bổ thời gian và sức khỏe một cách hợp lý để vừa hoàn thành nhiệm vụ, vừa có thể chăm lo cho sức khỏe của mình.

“Công việc chăm lo an sinh cho người dân có hoàn cảnh khó khăn là niềm vui của chị Hoàng Anh, vì vậy em muốn thực hiện công việc này thật tốt để chị yên lòng. Mặt khác, với sức trẻ của mình, em không quản ngại những công việc vất vả hướng về cộng đồng. Em mong người dân tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch để cùng chính quyền sớm đẩy lùi đại dịch COVID-19”, Nguyễn Hoàng Anh Thư cho biết.

Sự “hy sinh thầm lặng” được ghi nhận

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố ghi nhận và cảm ơn sâu sắc đến những hy sinh của các lực lượng tuyến đầu đã “đồng cam cộng khổ” cùng chính quyền chống dịch COVID-19 trong thời gian qua. Sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ cơ sở đã giúp TP Hồ Chí Minh tiến đến mục tiêu đưa người dân trở lại cuộc sống “bình thường mới”.

Chú thích ảnh
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cảm ơn và ghi nhận những đóng góp của các lực lượng khi cùng chính quyền tham gia công tác chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. 

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch lần này, thành phố có trên 132.000 người trực tiếp tham gia phòng, chống dịch ở các cấp. Thành phố cũng đón nhận gần 30.000 người từ các tỉnh, thành trên cả nước đến hỗ trợ, đưa tổng số người ở tuyến đầu chống dịch trên địa bàn thành phố lên trên 160.000 người. Đặc biệt, Thành phố còn có hàng chục ngàn cán bộ ở cơ sở, ngày đêm lăn lộn với các hoạt động phòng, chống dịch. Trong số đó, không ít cán bộ cơ sở đã bị phơi nhiễm, trở thành F0, thậm chí có người đã tử vong vì dịch bệnh. Đây là tổn thất rất lớn đối với TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh COVID-19.

“Chúng tôi rất trân trọng sự tham gia, đóng góp của lực lượng tuyến đầu TP Hồ Chí Minh cũng như lực lượng tăng cường; đặc biệt, trân trọng sự hy sinh của các cán bộ cơ sở trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Nhờ có các lực lượng này, người dân thành phố được chăm lo an sinh và được chăm sóc sức khỏe để yên tâm cách ly tại nhà an toàn… Tất cả những nỗ lực và sự chung sức, đồng lòng của người dân cùng chính quyền thành phố, tôi tin rằng dịch bệnh sẽ sớm được ngăn chặn và mọi người sẽ được trở về nhà sum họp cùng gia đình sớm nhất”, ông Phan Văn Mãi nói.

Chú thích ảnh
TP Hồ Chí Minh đã tổ chức lễ tuyên dương các lực lượng tham gia chống dịch tại địa bàn trong thời gian qua.

Ghi nhận sự đóng góp của các lực lượng tuyến đầu chống dịch, TP Hồ Chí Minh đã có những chính sách cụ thể dành cho lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia phòng, chống dịch với các khoản hỗ trợ một lần; đồng thời tăng thêm trợ cấp, chế độ đãi ngộ khác để cán bộ tuyến đầu yên tâm công tác… “Tính đến nay, các đơn vị, quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã thực hiện chi hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu với tổng kinh phí khoảng 463 tỷ đồng. Ngoài việc chi hỗ trợ trong đợt dịch này, lãnh đạo thành phố cũng sẽ tổ chức tổng kết, tri ân kịp thời với sự đóng góp, hi sinh của các cán bộ cơ sở, lực lượng tuyến đầu, doanh nghiệp, người dân thành phố… trong công tác chống dịch vừa qua”, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định.

Tương tự, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, từ lúc dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư, TP Hồ Chí Minh một lần nữa bước vào cuộc “chạy đua sinh tử” với dịch bệnh khi số ca nhiễm tăng hàng ngày. Trong “cuộc chiến” ấy, luôn có những câu chuyện “cổ tích đời thường” với nhiều gương cán bộ cơ sở vượt khó giúp dân. Không ít những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, chiến sĩ công an, cán bộ khu phố, đảng viên, đoàn viên, cán bộ cơ sở... đã đương đầu với dịch bệnh không kể ngày đêm và chấp nhận hy sinh để bảo vệ sự bình an cho nhân dân.

Trong “cuộc chiến” ấy, tinh thần sẵn sàng tương thân tương ái, chia ngọt sẻ bùi của cán bộ cơ sở với người dân đã khiến mọi người gắn kết nhau hơn để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở - Bài 2: Người bí thư Đoàn đầy tâm huyết
Những cống hiến thầm lặng của cán bộ cơ sở - Bài 2: Người bí thư Đoàn đầy tâm huyết

Là Bí thư chi Đoàn Khu phố 1, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Hoàng Anh (sinh năm 1996) đã không ngại gian khổ khi ban ngày tham gia trực chốt, “đi chợ hộ” cho người dân, hỗ trợ các điểm tiêm vaccine, đêm đến lại đi từng ngõ hẻm, phòng trọ để trao quà từ thiện, phát cơm cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN