Từ Chương trình “Phòng chống tai nạn thương tích cộng đồng”, năm 2006, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng đã thành lập các đội “Xe ôm an toàn” trên địa bàn thành phố. Thành viên của đội "Xe ôm an toàn" được tập huấn về sơ cấp cứu, băng bó vết thương đối với người bị tai nạn giao thông trước khi đưa đến bệnh viện. Đến năm 2009, chương trình bị cắt kinh phí, nhiều đội “Xe ôm an toàn” lần lượt ngừng hoạt động. Tuy nhiên, đội “Xe ôm an toàn” phường Hòa Hiệp Bắc vẫn duy trì hoạt động ý nghĩa này cho đến nay.
Đội “Xe ôm an toàn” phường Hòa Hiệp Bắc hiện có 7 thành viên, đóng chốt sơ cấp cứu ở ngã ba cầu Nam Ô, Đèo Hải Vân và ngã ba đường rẽ lên hầm Hải Vân. Đây là những nút thắt giao thông thường xảy ra tai nạn bởi có các đoạn đường cua gấp, nguy hiểm, nhiều phương tiện lưu thông qua lại với tốc độ cao. Mỗi điểm này đều đặt biển ghi thông tin, số điện thoại của đội "Xe ôm an toàn" và có các thành viên trong Đội thường xuyên túc trực.
Đội trưởng đội “Xe ôm an toàn” phường Hòa Hiệp Bắc Đặng Thanh Kinh (sinh năm 1957, trú tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) chia sẻ: Khi làm nghề xe ôm, ông thường xuyên chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Hình ảnh ấy đã thôi thúc ông phải làm gì đó để cứu giúp người bị nạn. Tuy nhiên, ông không có đủ kiến thức về sơ cấp cứu.
Từ khi thành lập đội “Xe ôm an toàn”, các thành viên đã được đào tạo sơ cấp cứu, lái xe an toàn, trang bị mũ bảo hiểm, đồng phục, túi cứu thương và thuốc. Các thành viên của đội tuy đã lớn tuổi nhưng rất nhiệt tâm, sẵn sàng giúp đỡ người bị nạn mọi lúc, mọi nơi.
Gắn bó với đội “Xe ôm an toàn” từ khi thành lập, đối với ông Kinh, mỗi lần giúp người bị tai nạn đều là những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. “Có trường hợp bị tai nạn, tôi kịp thời đến sơ cứu nhưng lại bị người nhà nạn nhân cản trở, đòi đánh. Sau khi được giải thích, họ mới chịu cho tôi sơ cứu. Nhiều lần khi đang chạy xe chở khách, có cuộc gọi cầu cứu, tôi đều bỏ chuyến xe đó, kịp thời có mặt để sơ cứu người bị nạn. Dù không có tiền nhưng tôi cảm thấy rất vui, hạnh phúc khi cứu giúp được thêm một người", ông Kinh tâm sự.
Cuộc sống của các thành viên trong Đội còn nhiều vất vả, hàng ngày chạy xe ôm mưu sinh nhưng khi thấy người gặp nạn, họ đều gác công việc để giúp đỡ. Ông Lương Bá Thành (sinh năm 1964, thành viên đội “Xe ôm an toàn” Hòa Hiệp Bắc) cho biết: Cuộc sống còn nhiều khó khăn, mỗi lần cứu giúp được người bị nạn, ông thấy vui, hạnh phúc. Đặc biệt, nhiều trường hợp người bị nạn khi hồi phục sức khỏe đã trở nên thân thiết, chung tay hỗ trợ công việc của đội.
Thời gian qua, đội “Xe ôm an toàn” đã hỗ trợ nhiều trường hợp bị tai nạn nghiêm trọng như, vụ việc xảy ra vào ngày 22/12/2012, trên Quốc lộ 1A, đoạn phía Nam Hầm đường bộ Hải Vân, khi một chiếc xe tải chở đầy sắt vừa qua hầm đã bị mất phanh đâm thẳng vào phòng vệ mềm, rồi lao vào một nhà dân bên đường khiến nhiều người bị thương. Nhận được tin báo, Đội đã huy động tất cả các thành viên đến thực hiện việc sơ cấp cứu người bị nạn.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường Hòa Hiệp Bắc Lê Thị Mân cho hay, từ lâu, mỗi lần có tai nạn xảy ra trên tuyến đường từ đèo Hải Vân chạy dài đến Ngã Ba Huế, người dân đã quen gọi điện cầu cứu đội “Xe ôm an toàn”. Sau cuộc gọi chỉ vài phút, những thành viên của đội đã có mặt kịp thời, sơ cứu người bị nạn. Hiện các thành viên trong đội đã lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình giúp đỡ người bị nạn.
Mặc dù không có kinh phí hoạt động nhưng các thành viên trong đội vẫn duy trì, hàng ngày chốt trực tại nhiều nút thắt giao thông. Người dân thân thương gọi đội “Xe ôm an toàn” là những “Hiệp sĩ xe ôm" cứu thương. Ngoài ra, điểm sơ cấp cứu của đội “Xe ôm an toàn” phường Hòa Hiệp Bắc đã trở thành một trong 22 điểm sơ cấp cứu Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn thành phố được Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cấp giấy phép hoạt động.
Với những hoạt động ý nghĩa trên, nhiều năm liền, đội “Xe ôm an toàn” phường Hòa Hiệp Bắc được nhận Giấy khen của chính quyền, Hội Chữ thập đỏ thành phố, Trung ương vì có thành tích trong công tác bảo đảm an toàn giao thông, phong trào “người tốt việc tốt” và hoạt động nhân đạo.