Những học sinh dân tộc thiểu số ghi danh “bảng vàng”

Dù điều kiện học tập không được đầy đủ, đường đi học xa xôi, nhưng bằng tất cả sự quyết tâm và tinh thần vượt khó, rất nhiều học sinh dân tộc thiểu số đã ghi danh trong “bảng vàng” những học sinh đạt giải quốc gia, thủ khoa đại học năm nay.

Hoàng Văn Chung, người dân tộc Dao.


Học để thoát cái nghèo


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhưng cậu học trò Hoàng Văn Chung, dân tộc Dao, ở xã Giáp Trung, huyện Bắc Mê, Hà Giang vẫn có thành tích học tập rất đáng tự hào: Giải ba cấp Quốc gia môn lịch sử, thi đậu Học viện An ninh với số điểm cao.

Gia đình Hoàng Văn Chung có 5 anh em, anh cả lúc nhỏ bị bệnh nặng không có tiền chữa trị, nên mang tật nguyền, khiến cho gia cảnh nhà Chung vốn đã khó khăn, càng thêm khó khăn. Cộng thêm bố mẹ ở vùng sâu, vùng xa, không biết chữ, ít quan tâm đến việc học tập của con cái, nên hầu như cậu bé Hoàng Văn Chung phải “tự lực cánh sinh”. Với tinh thần hiếu học, Chung kiên quyết xin bố mẹ cho em đi học.

Chung kể: “Có những hôm em đi bộ từ nhà tới trường, bụng đói meo, nhưng chẳng dám kêu ca tiếng nào. Hồi cấp 1, học ở trường không hiểu, về nhà bố mẹ không biết chữ, thắc mắc không biết hỏi ai nên nhiều khi cũng bí lắm. Nhưng em vẫn không nản, những gì không hiểu em ghi lại, sáng mai đến lớp hỏi thầy cô giáo”.

Nhờ tinh thần hiếu học mà từ lớp 1 đến lớp 9, năm nào Chung cũng là học sinh khá. Học hết cấp 2, trong khi nhiều bạn trong thôn nghỉ học, ở nhà lập gia đình, Chung tiếp tục ra trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Yên Minh để theo học. “Thi cấp 2 xong, bố mẹ cũng không muốn cho em đi học nữa đâu, vì không có người ở nhà làm ruộng. Nhưng em cứ kiên trì thuyết phục, rồi bố mẹ cũng cho đi. Lúc lên trường nội trú, em mới thấy mình kém hơn các bạn rất nhiều, nên lo lắng lắm. Tranh thủ khi các bạn ngủ hết, em lấy sách vở ra xem lại. Những lúc rảnh rỗi, em cũng không dám đi chơi mà chỉ ở nhà học bài”, Chung chia sẻ.

Nỗ lực hết mình, Chung không những theo kịp mà còn vượt xa các bạn. Được 600.000 đồng học bổng dành cho học sinh vượt khó, Chung dành hết để mua sách tham khảo. Năm lớp 11, Chung tham gia đội tuyển thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn lịch sử nhưng không đạt giải. Đến năm lớp 12, Chung giành được giải ba.

Chung cho hay: “Em thích học môn lịch sử lắm. Những gì thầy cô giáo giảng đều để lại ấn tượng sâu trong đầu. Những gì mình học qua rồi thì vẫn nhớ. Hồi đi ôn thi học sinh giỏi, hầu như một ngày em chỉ dám ngủ mấy tiếng, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện học thôi. Phương pháp học môn lịch sử của em cũng đơn giản lắm, ngoài sách giáo khoa, em đọc thêm các tài liệu tham khảo rồi ghi những ý chính ra vở, vừa dễ học lại nhớ lâu”.

Để tiếp tục theo đuổi con đường học vấn và giảm gánh nặng cho gia đình, Chung đăng ký thi vào Học viện An ninh. Kết quả Chung đậu vào học viện với số điểm khá cao, 22 điểm. “Em chỉ đăng ký duy nhất một trường thôi, nếu rớt chắc chắn em sẽ đi học nghề để vừa làm vừa học phụ giúp bố mẹ. May sao em đã không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, thầy cô và bạn bè”. Chung tủm tỉm cười.

Mơ ước chữa bệnh cho người nghèo


Với thành tích đạt giải ba quốc gia môn hóa, Diệp Như Quỳnh, người dân tộc Sán Dìu, ở xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã được tuyển thẳng vào đại học và em đã đăng ký ngay vào trường Đại học Dược Hà Nội, với nguyện vọng muốn trở thành một thầy thuốc giỏi để giúp đỡ người nghèo.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ nhỏ, Diệp Như Quỳnh đã ngày ngày chứng kiến người cha gầy gò, ngoài việc nương rẫy, ngày ngày vẫn lên rừng hái lá thuốc để chữa bệnh cho người trong làng. Việc làm nhân đạo đó của cha đã nhen lên trong em ước mơ trở thành một thầy thuốc và quyết tâm học để thi vào trường dược.

Diệp Như Quỳnh trên giảng đường đại học.


Nhiều năm là học sinh giỏi ở cấp I, cấp II, Quỳnh đã cố gắng học và thi vào trường THPT chuyên Thái Nguyên để có điều kiện học tập tốt hơn. Trường cách nhà hơn 10 km, nhưng vì nhà nghèo, không có tiền để trọ lại học, nên sáng nào Quỳnh cũng phải đạp xe đến trường từ 5 rưỡi sáng, rồi chiều tối lại đạp xe về nhà.

Diệp Như Quỳnh chia sẻ: “Đi học xa em sợ nhất là mùa đông, có hôm trời rét đạp xe được đến trường thì chân tay đã bị cước, lạnh cóng không cử động được, có hôm phải hết tiết đầu tay em mới có thể cầm bút viết được bình thường. Nhưng nghỉ học ngày nào là em tiếc ngày đấy, nên em luôn cố gắng không bao giờ nghỉ học. Về nhà thường không có thời gian học vì còn phải giúp đỡ bố mẹ làm nương rẫy, đi lên rừng hái thuốc nên em thường phải tranh thủ buổi trưa ở trường để học bài, đọc thêm sách tham khảo, về nhà thì thường em chỉ học bài vào ban đêm”.

Khó khăn là vậy, nhưng thành tích học tập của Diệp Như Quỳnh lại luôn khiến các thầy cô, bạn bè phải khâm phục. Môn hóa là môn học chuyên và cũng là môn học mà Quỳnh có nhiều thành tích nhất khi ngoài giải thưởng ở các năm học, lớp 12 em đã xuất sắc đạt giải 3 quốc gia môn hóa, và cùng với đó là “tấm vé” vào đại học, toại nguyện được ước mơ.

“Vì nhà nghèo nên khi em thi đỗ vào đại học, bố mẹ em vô cùng mừng, nhưng cũng đầy lo lắng. Mẹ em đã khóc vì lo không biết lấy gì để nuôi em học đại học. Thế nhưng bố mẹ em đã động viên em tiếp tục học tập thật tốt và cả nhà cùng quyết tâm thực hiện bằng được ước mơ đó. Em rất muốn sau này sẽ theo ngành dược cổ truyền để tiếp nối nghề chữa bệnh bằng lá thuốc của bố em như ước mơ của bố”, Diệp Như Quỳnh chia sẻ.

Sẽ là bác sĩ vùng cao


Cũng nuôi ước mơ chữa bệnh cho người nghèo, nhưng Hà Thị Tú Linh, người dân tộc Tày, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái lại chọn cho mình chuyên ngành bác sĩ đa khoa, đại học Y Hà Nội, vì em muốn “tự tay mình chữa cho bà con khỏi bị đau, giúp bà con không bị ốm”, Hà Linh chia sẻ.

Hà Thị Tú Linh trong lần đi nhận giải thưởng Học sinh giỏi quốc gia.


Trong gia đình, Linh là luôn là một cô con gái chăm chỉ giúp đỡ bố mẹ, ngoan ngoãn, học giỏi, có nhiều thành tích cao trong học tập, khiến bố mẹ luôn tự hào mỗi khi đi họp phụ huynh. Trong 3 năm cấp III, Linh đã đạt nhiều thành tích cao trong học tập như: Giải 3 kỳ học sinh giỏi cấp tỉnh môn vật lý, giải nhất tỉnh Casio khu vực năm lớp 11; lớp 12 em lại tiếp tục giành giải 3 Casio khu vực, và đặc biệt là giải 3 quốc gia môn vật lý.

Linh tâm sự: “Sau khi được giải 3 quốc gia môn vật lý, nhiều trường đại học đã gửi giấy trúng tuyển gọi em nhập học, nhưng em vẫn nuôi mơ ước trở thành một bác sĩ để phục vụ quê hương, về với những vùng nghèo khó để chữa bệnh cho đồng bào, nên em đã bỏ qua những cơ hội tuyển thẳng đó. Em đã quyết định thi vào đại học Y Hà Nội dù phải chuyển sang thi khối B và phải thi bình thường như các bạn khác”.

Với dáng người nhỏ nhắn, gầy guộc, nhưng ý chí quyết tâm khiến Linh trông thật rắn rỏi. Khi được hỏi về những ngày bắt đầu bước chân vào học nghề y, Linh chia sẻ: “Mọi người cứ bảo em lẻo khoẻo thế này thì yếu đuối làm sao mà làm bác sĩ được. Khi mới đi học, được nghe các anh chị đã học kể về những bài học mà sinh viên ngành y phải trải qua để trở thành một bác sĩ, em cũng hơi sợ nhưng mà khi học thì lại thấy thú vị và tự tin hơn.

“Các vùng xa ở quê em còn khó khăn, thiếu thốn lắm, học xong em sẽ quay về phục vụ quê hương. Sau này trở thành một bác sĩ, em sẽ là bác sĩ giỏi của các bản làng”, Linh quyết tâm.


Trọng Thủy - Tạ Nguyên

Vượt khó  đón năm học mới
Vượt khó đón năm học mới

Hầu hết các trường học, từ bậc học mầm non đến THCS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã bước vào năm học mới. Thế nhưng, các trường trên địa bàn 3 xã biên giới mới thành lập: Ia Dom, Ia Tơi và Ia Dal (huyện biên giới Sa Thầy) vẫn đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN