Có thể nói như vậy về gia đình vợ chồng ông Chamaléa Tiến và bà Chamaléa Thị Nhấm, dân tộc Raglai, ở thôn Ma Nai, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận.
Ông Tiến chăm sóc vườn điều của gia đình. |
Xuất phát từ gia đình nghèo, không của cải, không vốn liếng làm ăn nhưng gia đình ông Tiến, bà Nhấm đã thoát nghèo, có của ăn của để, con cái thành đạt nhờ ý chí và nghị lực vượt khó, mạnh dạn khai hoang đất rừng làm rẫy, mượn vốn của người dân ở miền xuôi mua giống lúa, giống ngô, mía gieo trồng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi lợn, gà...
Cùng với việc làm kinh tế gia đình, vợ chồng ông Tiến luôn quan tâm đầu tư lo chuyện học cho 4 người con (3 người con trai và 1 người con gái). Hiện cả 4 người con của ông bà, người là giáo viên, người là bác sỹ, người là Chủ tịch UBND xã Phước Thành và người con út đang là sinh viên Trường Đại học An ninh.
Không chỉ chăm lo cuộc sống gia đình, tại thôn Ma Nai, ông Tiến còn là một tuyên truyền viên tích cực lên núi, vận động đồng bào không phá rừng làm rẫy, xuống núi làm ăn, hướng dẫn bà con bỏ phong tục tập quán lạc hậu, nghèo nàn, chỉ dẫn cho bà con cách trồng ngô, sắn, lúa... mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đáng kể đời sống gia đình.
Ở xã Phước Thành, bà con Raglai luôn xem vợ chồng ông Tiến như người nhà, bởi sự nhiệt tình giúp đỡ chăm lo đời sống cho bà con của vợ chồng ông. Với bọn trẻ nghèo ở thôn Ma Nai, ông Tiến không chỉ là người ông, cha, người chú, mà còn là người thầy mẫu mực luôn đồng hành, giúp đỡ, đưa cái chữ đến cho chúng. Không chỉ ở Phước Thành, mà ngay ở các địa phương khác trong huyện Bác Ái, bà con ai nấy cũng đều biết đến vợ chồng ông Tiến ở thôn Ma Nai là tấm gương tiêu biểu của đồng bào Raglai ở huyện nghèo miền núi.
Bài và ảnh: Công Thử