Trong số 100 đại biểu được Tôn vinh người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm nay, có không ít giáo viên đã biết phát huy lợi thế của bản thân để góp phần thúc đẩy phong trào hiến máu tại nhà trường, địa phương ngày càng phát triển.
Gieo hiểu biết, tình yêu thương, sự sẻ chia từ sớm cho học sinh
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, học xong lớp 12, anh Đán Văn Hải, tỉnh Tuyên Quang từng phải gác lại ước mơ vào đại học để đi làm công nhân may tại Hải Dương. Chính tại nơi này, anh bén duyên với công tác hiến máu tình nguyện.
“Thực ra ngày ấy, tôi đăng ký và tham gia hiến máu theo phong trào công ty kêu gọi chứ bản thân chưa hiểu hết được vai trò, ý nghĩa của nghĩa cử cao đẹp, giàu tính nhân văn này”, anh Hải bộc bạch.
Ôm trong mình ước mơ vào đại học, vừa đi làm, vừa ôn thi lại, năm 2012, anh Hải thi đỗ vào Trường Đại học Tân Trào. Những ngày tháng học tập tại đây, anh là Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn trường, đó là cơ duyên giúp anh có cơ hội hiểu rõ về hiến máu nhân đạo. Với nhận thức và trách nhiệm của tuổi trẻ, anh Hải hăng say hướng dẫn và tuyên truyền cho hàng nghìn đoàn viên, học sinh, sinh viên của trường về phong trào hiến máu tình nguyện. Qua đó, trực tiếp vận động được hàng nghìn lượt người tham gia hiến máu và hiến máu nhắc lại nhiều lần.
Năm 2016, anh là thành viên Câu lạc bộ Giọt hồng Xứ Tuyên. Trong nhiều năm, anh Hải đã tuyên truyền, vận động hiến máu cho trên 3.200 người. Qua đó, có 1.200 lượt người hiến máu và hiến máu nhắc lại, hiến các thành phần của máu.
Anh Hải hiện là giáo viên Trường Tiểu học Kiến Thiết, xã Thái Hoà, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - một ngôi trường ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn; có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Trên cương vị một giáo viên Tiểu học, anh nhận thấy, các bạn nhỏ cũng có mong muốn và cần được biết đến những giá trị tốt đẹp của công tác hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên, các em ở bản xa nên khi ra trường học còn gặp nhiều khó khăn, nhận thức của các em về công tác hiến máu hay sự sẻ chia, yêu thương còn hạn chế. Do đó không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền cho những người đủ điều kiện hiến máu, thầy giáo Hải còn thường xuyên lồng ghép, đưa những thông tin cơ bản về máu và phong trào hiến máu, đặc biệt là sự sẻ chia, tình yêu thương vào nội dung giảng dạy ngoại khóa để giáo dục học sinh; gieo vào các em lòng yêu thương, sự sẻ chia với cộng đông, xã hội. Thầy Hải cho rằng, đến một thời điểm nào đó khi các em khôn lớn, có đủ điều kiện và hiểu biết khởi đầu thì các em sẽ tự giác dành sự sẻ chia của mình cho những người yếu thế, cần sự trợ giúp.
“Tận dụng lợi thế” của mình, thông qua Hội Phụ huynh, thầy giáo Hải không chỉ tuyên truyền hiến máu cho nhiều phụ huynh mà còn tuyên truyền về hiến tóc cho các bệnh nhân ung thư.
Bên cạnh việc tích cực tham gia hiến máu và tuyên truyền, vận động hiến máu, nhận thức sâu sắc về giá trị nhân văn của việc hiến tặng mô, tạng khi chết hoặc chết não để cứu chữa cho những bệnh nhân đang chờ ghép tạng, đầu năm 2018, anh Hải trực tiếp đăng ký hiến tặng mô tạng sau khi chết hoặc chết não. Anh cũng vận động thêm nhiều người cùng tham gia hoạt động ý nghĩa này. Anh Hải chia sẻ, ngày nào còn có thể thì tôi còn đem sức lực nhỏ bé của mình thực hiện những công việc có ích cống hiến cho cộng đồng.
Nỗ lực vì cộng đồng
Xuất phát từ thực tế trong quá trình học tập, làm việc phải chứng kiến nhiều bệnh nhân tử vong do không có máu truyền kịp thời, sau khi ra trường về công tác tại Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn, thầy giáo Vương Văn Thắng cùng Ban Chấp hành Đoàn trường tham mưu Ban Giám hiệu nhà trường và Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh thành lập Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn vào tháng 6/2016. Anh Thắng hiện là Chủ nhiệm của Câu lạc bộ với khoảng 120 thành viên, trong đó có 40 - 60 thành viên thường xuyên hoạt động.
Theo anh Thắng, tiền thân của Câu lạc bộ là Đội thanh niên vận động hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên việc hoạt động của đội không được thường xuyên, chuyên nghiệp và bền vững, việc lan tỏa hoạt động hiến máu tới cộng đồng còn hạn chế… Từ những hạn chế đó, anh Thắng đề xuất việc thành lập Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện của Trường.
Anh Thắng chia sẻ, năm 2017, tôi may mắn được tham gia đoàn Hành trình Đỏ, cùng các “chiến sỹ Nhà Máu” xuyên Việt vận động hiến máu tình nguyện; được tiếp cận mô hình hiến máu chuyên nghiệp của Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội, đó chính là bước ngoặt mang đến cho tôi nhiều bài học bổ ích để áp dụng vào thực tế công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương và nhà trường.
Trong 7 năm qua, Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Lạng Sơn dưới sự dẫn dắt của anh Vương Văn Thắng đã vận động hàng nghìn tình nguyện viên tham gia hiến máu tình nguyện, qua đó tiếp nhận hơn 1.000 đơn vị máu; đưa câu lạc bộ trở thành một trong những đơn vị hoạt động sôi nổi nhất, đóng góp nhiều nhất cho phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương; được nhiều cấp, ngành biểu dương, khen thưởng.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 4 câu lạc bộ hoạt động về vận động hiến máu, nhưng Câu lạc bộ do anh Thắng phụ trách luôn hoạt động thường xuyên và tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ các cấp tổ chức tuyên truyền, vận động hiến máu tại các chương trình lớn như: Hành trình Đỏ, Lễ hội Xuân hồng, các sự kiện hiến máu vào dịp hè, Tết; các sự kiện hiến máu tại nhiều huyện trong tỉnh… thu hút hàng trăm người tham gia; góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, người dân về giá trị của hiến máu tình nguyện; từ đó thúc đẩy phong trào hiến máu tình nguyện ở địa phương và ngôi trường anh giảng dạy ngày càng phát triển.
Không chỉ vận động hiến máu, thành viên Câu lạc bộ còn tham gia hiến máu nhiều lần, hiến máu đột xuất đem lại cơ hội cứu chữa cho nhiều bệnh nhân trong lúc nguy cấp. Riêng bản thân anh Thắng, ngoài việc tham gia hiến máu tình nguyện, anh còn tham gia Câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ của trường; tham gia đoàn tình nguyện khám chữa bệnh cho người dân ở các xã khó khăn; kêu gọi và ủng hộ cho người nghèo vào những khi thiên tai, dịp lễ, Tết.
Khi được hỏi về dự định với công tác hiến máu tình nguyện, anh Thắng chia sẻ, tôi sẽ còn tiếp tục hiến máu và tham gia vận động hiến máu đến khi còn có thể. Bởi tôi mong muốn, ngọn lửa nhiệt huyết của những người làm tình nguyện sẽ luôn đồng hành cùng người bệnh cần máu, giúp họ có thêm tự tin vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.