Làm việc có ý nghĩa là hạnh phúc
Khi dịch COVID-19 bùng phát trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Thanh Mai, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Phường 10 (Quận 4) đã không ngại khó khăn, nguy hiểm, xông pha đi đầu trong các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương. Thậm chí, để có thể yên tâm tham gia công tác chống dịch, chị Mai đã gửi đứa con trai 8 tuổi về nhà bà ngoại và đến nay cũng đã được hơn 4 tháng.
Không chỉ làm các công việc được phân công, chị đã nhanh nhẹn liên hệ với doanh nghiệp, đơn vị để vận động kinh phí hay những suất cơm, những bao gạo, nhu yếu phẩm, rau củ quả... gửi đến người dân có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Theo đó, chị đã vận động được 25 triệu đồng tiền mặt; 4 tấn gạo; 5,5 tấn rau, củ; 200kg đường; 100 thùng nước suối và hơn 800 phần quà nhu yếu phẩm, thuốc... Trước đó, mỗi ngày, chị còn vận động 1.200 suất cơm của các bếp ăn từ thiện để gửi đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, các khu vực bị phong tỏa.
"Tôi rời khỏi nhà từ lúc 5 giờ sáng mỗi ngày để kịp đến phường hỗ trợ tổ hậu cần tiếp nhận, phân chia lương thực, thực phẩm nhằm kịp thời mang đến trao cho các hộ dân vào sáng sớm. Gần trưa, tôi bắt đầu chuẩn bị nguyên vật liệu để nấu cơm trưa, cơm chiều cho anh em tham gia chống dịch. Tranh thủ nấu cơm xong, tôi lại đi siêu thị để mua đồ giúp người dân trong mùa dịch. Kết thúc công việc và trở về nhà, khi đó thường là 21 giờ, thậm chí có ngày tôi về đến nhà khi đã gần 2 giờ sáng. Mặc dù "mang tiếng" được về nhà, nhưng về đến nhà là tôi và chồng lại tranh thủ bàn bạc các công việc chăm lo an sinh cho người dân, bởi chồng tôi cũng là một cán bộ tại địa bàn và anh rất nhiệt tình, ủng hộ tôi tham gia các công tác chống dịch tại địa phương", chị Thanh Mai tâm sự.
Trong hàng tháng trời tham gia chống dịch, có đôi lúc chị Thanh Mai cũng thấy mệt mỏi, nhất là khi nhận được tin 4 thành viên trong gia đình đều dương tính với virus SARS-CoV-2. "Thay vì lo lắng, bất an, vợ chồng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng, mạnh mẽ để chiến đấu với dịch bệnh. Sau thời gian điều trị, được sự chăm sóc tận tình của đội ngũ y, bác sĩ, các thành viên gia đình tôi cũng đã khỏi bệnh. Sau khi khỏi bệnh, vợ chồng tôi lại cùng nhau tiếp tục tham gia vào công tác chống dịch tại địa phương", chị Mai cho biết.
Theo chị Thanh Mai, mỗi người đều có cơ hội chọn cho mình một lẽ sống, nhưng đối với chị, lẽ sống mà chị đã và đang hướng đến là mỗi ngày được sống và làm việc ý nghĩa cho đời. Đó cũng là niềm hạnh phúc của chị. Chính nhờ sự hăng say, nhiệt tình với công việc, chị Mai cũng đã góp sức cùng địa phương hoàn thành tốt vai trò chung tay đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Không có thời gian để sợ
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư vừa qua, người dân ở Phường 13 (Quận 6) cũng quá quen thuộc với hình ảnh của một cán bộ trẻ trung, nhiệt tình tham gia công tác chống dịch tại địa bàn. Đó là chị Nguyễn Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Phường 13. Theo đó, hàng ngày, chị Linh cùng với các chị em trong hội đã chia nhau chở từng túi gạo, bó rau, thùng mỳ... đến từng ngõ hẻm để phát cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, hộ dân đang bị cách ly, phong tỏa...
Chị Ngọc Linh cho biết, mong muốn của các cán bộ cơ sở là chung tay cùng các cấp, ban ngành, đoàn thể chăm lo tốt nhất cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, người đang thực hiện cách ly y tế vì dịch bệnh COVID-19. Với phương châm “không để ai ở lại phía sau”, tất cả chị em phụ nữ tại phường đều nhiệt tình, hăng sai tham gia rất nhiều công tác chống dịch, từ hỗ trợ công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, phát quà an sinh cho người dân đến việc tham gia vận động kinh phí, thực phẩm từ các doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm để đi chăm lo cho người dân.
Tham gia nhiều công việc cùng lúc, chị cũng không biết mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2 từ lúc nào. Đến khi phát hiện mình mắc COVID-19, thì cả gia đình chị đã có 8/9 người trở thành F0.
“Thực sự lúc đó tôi không nghĩ gì ngoài việc phải chuẩn bị hành trang, thuốc men cho các thành viên trong gia đình để chuẩn bị đi cách ly. Tôi có lo nhưng không có thời gian để sợ. Vì quen với công tác hội phụ nữ nên khi trở thành F0, thay vì ủ rũ, tôi tìm giải pháp trấn an tinh thần cho tất cả mọi người. Tôi lên kế hoạch cụ thể chăm sóc cho từng người và cả bản thân mình. Lúc đó, tôi lo nhất là mẹ tôi, vì mẹ tôi có bệnh nền và mới bị tai biến năm ngoái”, chị Linh kể lại.
“Khi cả nhà trở thành F0, mọi người cũng bị chia ra tứ phương, mỗi người mỗi nơi nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên động viên nhau qua điện thoại để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Khi đó, nhà tôi chỉ còn một thành viên không bị mắc COVID-19 nên ai cũng cố gắng bảo vệ sức khỏe cho em ấy. Hoàn cảnh gia đình tôi khi đó giống như cả nhà đang trong một cuộc đua, ai cũng quyết tâm giữ cho người còn lại không bị nhiễm, nhất định không thể thua COVID-19. May mắn là mọi người đều khỏi bệnh và bình an trở về an toàn", chị Linh vui vẻ cho biết.
Dù mắc COVID-19 nhưng chị Linh vẫn không để công việc của Hội bị gián đoạn trong thời gian cách ly điều trị. Theo đó, chị vẫn vạch ra các kế hoạch cần thiết và bố trí các cán bộ còn lại tiếp tục duy trì công việc của Hội. “Trong lúc bị bệnh, tôi chỉ ngưng tham gia công việc trực tiếp tại cơ sở, nhưng tôi vẫn điều hành trực tuyến cho các đồng nghiệp ở nhà. Tôi còn thường xuyên nhắn tin thăm hỏi, động viên cán bộ hội khi làm việc. Khi vận động được nhà hảo tâm hỗ trợ quà cho người dân, tôi vẫn kết nối, bàn giao lại cho các cán bộ hội khác để công việc không bị đứt gãy. Cũng may mắn có các dì, các chị thay mình gánh vác, mọi việc chăm lo an sinh cho người dân trong thời gian tôi đi cách ly, chữa bệnh đều thuận lợi", chị Linh kể thêm.
Ngay sau khi khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly tại nhà, chị Linh và 3 thành viên trong gia đình đã cùng một số F0 đã khỏi bệnh khác thành lập nhóm "F0 khỏi bệnh giúp đỡ F0 mắc mới". Công việc của nhóm là tư vấn, động viên, hỗ trợ, chăm sóc cho các F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà và F0 test nhanh dương tính chưa kịp đưa đi cách ly cùng với sự tham vấn của bác sĩ chuyên môn tại Bệnh viện An Bình và Bệnh viện Nhi đồng 1.
"Các F0 đã khỏi bệnh ít có nguy cơ tái nhiễm, với kinh nghiệm bản thân, họ có thể là điểm tựa vững vàng cho các F0 tại cộng đồng, góp phần vào việc kiểm soát dịch bệnh, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên đang quá tải ở thời điểm đỉnh dịch", chị Linh cho biết.