Nhiều mô hình hay Tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội năm 2011, anh Hoàng Ngọc Thanh, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cũng như bao bạn trẻ khác định tìm cho mình một việc làm ở thành phố lớn. Tuy nhiên, sau 1 năm lăn lộn khắp các công ty, với các ngành nghề, anh nhận thấy cơ hội để phát triển khá mong manh. Quyết định về quê để làm giàu từ đất ruộng lại được Thanh đưa ra rất nhanh.
Mô hình trang trại kinh tế chăn nuôi lợn của anh Hoàng Ngọc Thanh, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc cho lợi nhuận gần 400 triệu đồng/năm. |
Với diện tích đất đồi, ao hồ có sẵn của gia đình, Thanh quyết định đi học các lớp tập huấn về nuôi cá và mạnh dạn vay vốn từ Quỹ Tài năng trẻ của tỉnh đoàn Vĩnh Phúc, kết hợp với việc vay vốn của bạn bè, gia đình, để đầu tư vào mô hình thả cá rô phi đơn tính, cá chép với diện tích mặt hồ là gần 4ha.
Lứa cá đầu tiên do còn thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật nên kết quả chưa thực sự cao, lợi nhuận chỉ đạt mức 80 triệu đồng. Nhưng với ý chí, quyết tâm của tuổi trẻ, Thanh lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá và tiếp tục mở rộng quy mô thả cá rô phi đơn tính, cá chép với số lượng 35 nghìn con rô phi đơn tính Đường Nghiệp, 10 nghìn con cá chép.
Những lứa cá tiếp theo cho năng suất cao, có thu nhập nên Thanh mở rộng chăn nuôi, đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn. Với sự cần cù, chịu khó, trang trại tổng hợp cá - lợn hơn 5 ha của thanh niên trẻ Hoàng Ngọc Thanh cho thu nhập 400 triệu đồng/năm.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng các mặt hàng tiêu dùng đảm bảo chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm ngày một thiết yếu của bà con nhân dân, với số vốn đã có kết hợp với vay thêm ngân hàng, gia đình, bạn bè, Thanh xây dựng một siêu thị mini hiện đại với diện tích trên 500m2, tổng số vốn đầu tư trên 5 tỷ đồng.
Hàng năm cho lợi nhuận trên 400 triệu đồng. Hiện nay, với mô hình chăn nuôi trang trại kết hợp với kinh doanh hàng tiêu dùng, mỗi năm anh Thanh thu lãi về trên 800 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 thanh niên địa phương với mức lương 5 triệu đồng/người/ tháng.
Với lợi thế có sẵn nguồn nguyên liệu tự nhiên, anh Nguyễn Ngọc Hanh, sinh năm 1993, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định vay 400 triệu đồng đầu tư mua máy móc mở xưởng sản xuất tinh bột nghệ. Bằng nhiều phương pháp tiếp thị sản phẩm sáng tạo, mới mẻ, cùng với phương châm “đặt chất lượng lên hàng đầu”, sản phẩm tinh bột nghệ của Hanh nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Mỗi năm, cơ sản sản xuất tinh bột nghệ của Nguyễn Ngọc Hanh tiêu thụ khoảng 7 tấn tinh bột nghệ, trừ chi phí thu lãi gần 500 triệu đồng. Xưởng sản xuất tinh bột nghệ của Hanh tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với mức lương bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ của Hanh không chỉ có mặt ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà còn đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để xuất khẩu sang thị trường Đài Loan.
Ở tuổi 24, anh Nguyễn Ngọc Hanh, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc đã trở thành ông chủ sản xuất tinh bột nghệ với thu nhập gần 500 triệu đồng/năm. |
Với những kết quả phấn đấu không ngừng nghỉ, chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Hanh vinh dự được Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tuyên dương, chứng nhận là một trong 10 thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu năm 2017.
Tiếp sức khởi nghiệp Theo thống kê, tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 100 doanh nghiệp, hơn 40 hợp tác xã và trên 600 trang trại kinh tế do thanh niên làm chủ, có mức thu nhập hàng năm đạt từ 50 triệu đồng trở lên, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.
Theo chia sẻ của anh Hoàng Anh - Trưởng ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị (Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc), đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp, trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Vĩnh Phúc đã thường xuyên phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên như: Kỹ thuật chăn nuôi lợn sinh sản; nuôi cá nước ngọt, kỹ thuật thâm canh các loại cây trồng; tổ chức cho hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham quan các mô hình kinh tế giỏi trong tỉnh để học tập kinh nghiệm, từ đó nhân rộng các mô hình hiệu quả.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng. Đến nay, có 2.842 hộ thanh niên tham gia vay vốn với tổng số dư nợ gần 71 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cũng theo anh Hoàng Anh, các mô hình kinh tế của thanh niên làm chủ hầu hết còn gặp rất nhiều khó khăn do quy mô nhỏ, vốn ít, nguồn vốn vay mà Đoàn thanh niên quản lý mới chỉ đáp ứng được khoảng 20 - 30%. Điều này là nguyên nhân hạn chế hiệu quả hỗ trợ đoàn viên thanh niên của tổ chức Đoàn các cấp.
Theo anh Hoàng Anh, trong thời gian tới, để phát huy hơn nữa vai trò của thanh niên trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; kết nối các nguồn vốn, các tổ chức tài chính, các doanh nghiệp... để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu gương người tốt, việc tốt…, giúp các đoàn viên, thanh niên có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo; duy trì, phát triển và nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác thanh niên làm ăn có hiệu quả. Tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với triển khai phong trào “Tuổi trẻ Vĩnh Phúc chung tay xây dựng nông thôn mới”, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, giàu mạnh.