Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, họ tiếp tục thể hiện nhiệt huyết của mình khi là những bác sỹ tình nguyện “xông” lên tuyến đầu. Đó là những tấm gương bác sỹ điển hình trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại Thành phố mang tên Bác.
Mang y tế kỹ thuật cao về ngoại thành
Những năm gần đây, Bệnh viện huyện Củ Chi nổi lên như một “hiện tượng” trong ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh khi liên tục phát triển mạnh về chuyên môn, đặc biệt là áp dụng các kỹ thuật chuyên sâu, các dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân vùng “đất thép”. Kết quả đó có sự đóng góp lớn của bác sỹ Trần Chánh Xuân, Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi.
Là một bác sỹ có thâm niên trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, bác sỹ Trần Chánh Xuân luôn tiên phong, đi đầu trong việc tiếp nhận chuyển giao ứng dụng kỹ thuật từ tuyến trên, sau đó hỗ trợ, đào tạo tay nghề cho các bác sỹ ở bệnh viện. Anh đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật về chấn thương chỉnh hình áp dụng kỹ thuật cao mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên như phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng…
Tháng 11/2016, lần đầu tiên tại Bệnh viện huyện Củ Chi, bác sỹ Xuân và các cộng sự đã thực hiện phẫu thuật thay khớp gối trái cho một bệnh nhân ở ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây. Tiếp sau thành công đó, bác sỹ Xuân đã thực hiện thành công thay khớp háng toàn phần cho một bệnh nhân nam bị thoái hóa khớp háng do di chứng tai nạn giao thông từ nhiều năm trước.
Từ ca phẫu thuật đầu tiên cho đến nay, hàng trăm ca phẫu thuật đã được bác sỹ Xuân thực hiện thành công, mang lại sức khỏe, chất lượng sống tốt cho người dân vùng đất Củ Chi. “Nếu như trước đây, các bệnh nhân gặp vấn đề về chấn thương chỉnh hình phức tạp, chúng tôi phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Sài Gòn-ITO…, nay chúng tôi đã tự tin có thể thực hiện tốt tại Bệnh viện huyện Củ Chi. Và người có công đưa các kỹ thuật này về là bác sỹ Trần Chánh Xuân. Đặc biệt, bác sỹ Xuân cùng các cộng sự đã phẫu thuật cấp cứu thành công và cứu sống một bệnh nhân nam bị cọc sắt gỉ sét dài 30 cm đâm xuyên bụng vùng thắt lưng một cách ngoạn mục” - Bác sỹ Hồ Hải Trường Giang, Giám đốc Bệnh viện huyện Củ Chi chia sẻ.
Nói về quyết tâm đưa kỹ thuật cao về ngoại thành, bác sỹ Trần Chánh Xuân tâm sự, trước đây, anh từng chứng kiến nhiều người dân Củ Chi phải vượt quãng đường xa hàng chục ki-lô-mét để đến với các bệnh viện khu vực nội thành khám chữa bệnh. Anh đã nung nấu ý định mang các kỹ thuật cao về gần hơn với người dân. “Tôi mong muốn người dân ngoại thành cũng được chăm sóc sức khỏe với những dịch vụ y tế kỹ thuật cao mà không cần tốn nhiều thời gian, công sức đi lại và chi phí như người dân ở nội thành”, bác sỹ Trần Chánh Xuân chia sẻ.
Mới đây, bác sỹ Trần Chánh Xuân là một trong 30 y, bác sỹ của Bệnh viện huyện Củ Chi “xung phong” ra tuyến đầu, phụ trách điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Với chuyên môn và uy tín của mình, bác sỹ Xuân được Sở Y tế phân công giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Củ Chi. Làm việc trong bối cảnh “dã chiến”, tạm bợ và nhiều thiếu thốn nhưng bác sỹ Xuân luôn động viên cán bộ, nhân viên y tế ở đây nỗ lực hết mình chăm lo cho bệnh nhân để họ sớm được khỏi bệnh, trở về đoàn tụ với gia đình.
Vừa đảm trách công tác điều hành tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi, bác sỹ Trần Chánh Xuân vừa phải tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của Bệnh viện huyện Củ Chi. Những ngày này, dưới cái nắng nóng như đổ lửa, bác sỹ Xuân vẫn đi -về như con thoi giữa hai bệnh viện với mục tiêu hoàn thành sứ mệnh bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân một cách tốt nhất.
“Lửa thử vàng, gian nan thử…bác sỹ”
Đến Bệnh viện quận Thủ Đức, hỏi thăm về bác sỹ Kim Phúc Thành, nhiều người không khỏi thể hiện sự ngưỡng mộ, nể phục bởi tài năng và tâm huyết của vị bác sỹ trẻ này. 35 tuổi đời và 12 năm tuổi nghề, bác sỹ Kim Phúc Thành đã được phân công đảm nhiệm vai trò Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện. Không phụ sự tin tưởng từ cấp trên, những năm qua, bác sỹ Kim Phúc Thành luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Anh chia sẻ: “Mỗi ngày, Bệnh viện quận Thủ Đức có từ 6.000-7.000 lượt khám bệnh, áp lực là rất lớn. Số lượng bệnh nhân đông đồng nghĩa với khối lượng công việc nhiều, đòi hỏi nhân viên y tế phải luôn chạy hết công suất mới có thể đáp ứng được nhu cầu của người bệnh. Trong khi đó, làm sao để vận hành mọi thứ trơn tru, không có sai sót chuyên môn là điều không hề đơn giản”.
Hàng ngày, Phòng Kế hoạch - Tổng hợp lúc nào cũng bận “trăm công nghìn việc”, vừa phải tổ chức, theo dõi, kiểm tra hoạt động chuyên môn của bệnh viện, vừa phải điều hòa phối hợp công tác giữa các khoa, phòng với nhau, hay giữa các bệnh viện với nhau... Bên cạnh đó, bác sỹ Kim Phúc Thành còn phải chỉ đạo nhân viên đảm bảo việc lưu trữ, thống kê, khai thác hồ sơ theo bệnh án theo quy định và xây dựng quy hoạch phát triển chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện. Thế nhưng, với sự năng nổ của mình, bác sỹ Kim Phúc Thành luôn hoàn thành nhiệm vụ. Không những thế, anh còn tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học nhằm cải thiện chất lượng điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện quận Thủ Đức.
Ngoài công tác chuyên môn, bác sỹ Kim Phúc Thành còn là “cây từ thiện” khi thường xuyên tham gia các chuyến khám bệnh từ thiện ở nhiều vai trò khác nhau. Thời gian đầu, anh tham gia với tư cách là một bác sỹ khám bệnh, song với sự năng động, nhiệt tình, sau này, anh được giao luôn nhiệm vụ tổ chức các đoàn khám bệnh từ thiện của bệnh viện. “Những khu vực vùng sâu vùng xa, nơi người dân còn nhiều vất vả, khó khăn, thiếu điều kiện tiếp cận y tế là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi tổ chức một buổi khám bệnh, phát thuốc từ thiện”, bác sỹ Kim Phúc Thành chia sẻ.
Khi dịch COVID-19 nổ ra, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ thành lập, bác sỹ Kim Phúc Thành cũng được điều động làm Trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp tại đây. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ ngưng hoạt động cũng là lúc bác sỹ Thành nung nấu ý định hỗ trợ y tế cho người dân Cần Giờ. Đề nghị này của anh được lãnh đạo Bệnh viện quận Thủ Đức chấp nhận. Thế là, hành trình đến với người dân Cần Giờ của bác sỹ Kim Phúc Thành lại tiếp tục, khi anh thường xuyên đến đây chuyển giao, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế huyện Cần Giờ, góp phần chăm sóc tốt hơn sức khỏe cho người dân tại huyện đảo này.
Nhận xét về bác sỹ Kim Phúc Thành, bác sỹ Nguyễn Lan Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện quận Thủ Đức cho hay, đây là hình mẫu của một bác sỹ trẻ, vừa giỏi chuyên môn lại tâm huyết với nghề, xung kích trong các hoạt động phong trào của bệnh viện. Ngay thời điểm dịch COVID-19 xảy ra, bác sỹ Thành cùng với đội ngũ y bác sỹ trẻ của Bệnh viện quận Thủ Đức đã không ngần ngại nửa đêm chi viện cho các đơn vị tuyến đầu như Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Khu cách ly Ký túc xá Đại học quốc gia… Đây chắc chắn là thế hệ bác sỹ kế cận xuất sắc, là “vàng mười” đã được rèn luyện trong thử thách của ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh.