Nông dân Kinh Bắc năng động tìm hướng phát triển kinh tế

Với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Vũ Văn Chiến (sinh năm 19, thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã. Ông vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Với tinh thần nhiệt huyết, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ông Vũ Văn Chiến (sinh năm 19, thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) đã mạnh dạn tìm hướng đi mới thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác xã. Ông vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) cùng các nông dân trong Hợp tác xã thu hoạch cá. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Nhạy bén, dám nghĩ dám làm

Ông Vũ Văn Chiến chia sẻ, cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, ông đã dành nhiều thời gian mày mò, xây dựng các mô hình nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ban đầu, tận dụng lợi thế địa phương giàu tiền năng đất nông nghiệp, hai vợ chồng ông đã xây dựng xưởng sản xuất, kinh doanh gạch, tạo công ăn việc làm cho gia đình và thu hút 7 - 8 lao động của địa phương. Mỗi lò gạch khi xuất bán mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, khi các nhà máy gạch áp dụng công nghệ cao đi vào hoạt động, các cụm, khu công nghiệp mọc lên, số lao động trong xưởng đều chuyển đi làm công ty khiến việc sản xuất gạch của gia đình gặp khó khăn.

Không lùi bước, quyết chí làm giàu trên mảnh đất quê hương cùng lợi thế có nhà nằm cạnh sông Đuống, ông nghĩ đến việc chuyển sang nuôi cá lồng trên sông. Theo ông Vũ Văn Chiến, ở Đức Long là nơi 6 con sông hội tụ, bởi vậy lòng sông rộng, thoáng, sạch, tạo điều kiện cho cá sinh trưởng và phát triển tốt. Tận dụng chính sách của tỉnh hỗ trợ người dân lắp đặt 15 triệu/lồng cá, ông bàn với gia đình huy động vốn tích góp, vay thêm người thân làm 6 lồng nuôi cá trên sông Đuống. Ông thả các loại cá truyền thống như trắm, chép, diêu hồng, chép giòn, lăng…

Nhớ lại thời gian đầu khi nuôi cá lồng, ông Chiến cho biết, đây là một hướng đi mới nên ông đã học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi khác trong và ngoài tỉnh. Do nuôi trên sông, phụ thuộc nhiều vào lưu lượng nước nên người nuôi cần nắm rõ đặc điểm của từng loại cá và thời tiết để có sự điều chỉnh trong chăm sóc cho phù hợp.

Trời không phụ lòng người, sau 1 năm chăm sóc, vụ cá đầu tiên cho thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông bàn với gia đình tiếp tục đầu tư thêm lồng nuôi từ số lãi thu được và nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ của Hội Nông dân huyện, tỉnh. Đến nay, gia đình ông đã đầu tư 43 lồng nuôi cá trên sông Đuống.

Ông Chiến đã mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật, đưa phương pháp mới vào nuôi cá. Cá được ông thả nuôi là những giống cá chất lượng, có giá trị kinh tế cao, chủ lực là cá lăng đen và cá chép giòn. Một lứa cá lồng từ lúc thả con giống đến khi thu hoạch kéo dài 2 năm. Vì thế, ông thả nuôi gối vụ, khoảng 50% cá thịt, 50% cá giống để có thu hoạch thường xuyên và giảm bớt chi phí đầu vào. Mỗi năm, doanh thu từ nuôi cá của gia đình khoảng 10 tỷ đồng; trừ chi phí, nhân công, lợi nhuận thu về từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng.

Chia sẻ thành công

Không chỉ phát triển gia đình, ông Chiến còn nhiệt tình chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ nông dân trong vùng cùng nuôi cá lồng. Tháng 9/2019, ông đã vận động, tập hợp các hộ dân để thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng. Ban đầu, Hợp tác xã có 10 thành viên với khoảng 200 lồng nuôi cá do ông làm Giám đốc. Đến nay, Hợp tác xã có 16 thành viên, nuôi hơn 400 lồng cá trên sông, áp dụng nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP; bình quân mỗi năm cung ứng ra thị trường hơn 1.200 tấn cá các loại, tạo việc làm ổn định cho 40 - 50 lao động với mức thu nhập bình quân từ 10 - 15 triệu đồng/tháng.

Anh Nguyễn Văn Sỹ (thôn Kiều Lương, xã Đức Long, thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng) chia sẻ, trước đây, gia đình anh chuyên trồng lúa với giá trị kinh tế thấp. Sau khi tham gia vào hợp tác xã, được sự hỗ trợ của anh Chiến và các thành viên, gia đình anh đã lắp đặt 7 lồng cá, nuôi ghép giữa cá truyền thống với cá ngạnh mang lại giá trị kinh tế cao. Mỗi năm, từ 7 lồng cá, gia đình anh thu hoạch được hàng chục tấn cá, lợi nhuận hơn 500 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Văn Chiến với mô hình nuôi cá lồng cho lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã, ông Vũ Văn Chiến luôn năng động, chủ động tìm tòi những mô hình hiệu quả để cùng các hội viên thử nghiệm thành công và nuôi trồng đại trà, mang lại lợi nhuận cao cho hợp tác xã. Sau khi thành lập hợp tác xã, các hội viên đã thay đổi tư duy sản xuất, nuôi trồng cá bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ vậy, mọi người đã chủ động đầu ra cho sản phẩm và giá ít biến động.

Bà Nguyễn Thị Lệ Tuyết, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, ông Vũ Văn Chiến là hội viên nông dân đi đầu trong phát triển nuôi cá lồng trên sông Đuống. Ông là hội viên tích cực tham gia công tác Hội và phong trào nông dân, là Chủ tịch Câu lạc bộ Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của thị xã Quế Võ. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp nuôi trồng thủy sản Chiến Thắng do ông làm Giám đốc là một hợp tác xã quy mô lớn nhất ở Bắc Ninh, góp phần làm thay đổi diện mạo nghề nuôi cá lồng trên sông. Từ thành công của ông Chiến và Hợp tác xã đã tạo ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương, giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Thanh Thương (TTXVN)
Phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng biển
Phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng biển

Sáng 22/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN