Tuy gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, nhưng anh Diu luôn là người đi đầu, nhiệt tình tham gia những công việc chung của thôn, được người dân trong thôn quý mến.
Anh Chu Văn Diu chia sẻ: “Năm 2014, vợ tôi qua đời vì bệnh ung thư, từ đó đến nay một mình tôi nuôi 2 con nhỏ, thu nhập của gia đình chủ yếu nhờ nương, rẫy và đi làm thuê những lúc nông nhàn”.
Anh Chu Văn Diu (áo trắng) trên cây cầu bắc qua suối Hoắc. |
Thôn Hoắc có địa hình đồi núi và bị chia cắt bởi con suối Hoắc. Trước đây, để phục vụ việc đi lại, người dân trong thôn làm cầu tạm qua suối nhưng mỗi khi mưa to, cầu tạm bị nước cuốn trôi, gây nhiều khó khăn cho người dân trong thôn.
Được sự đồng ý của chính quyền địa phương, anh Chu Văn Diu đã đứng ra làm một cây cầu gỗ kiên cố, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Những ngày đầu, một mình anh tự vận chuyển nguyên vật liệu, san lấp nền đường, kè lại bờ suối cho chắc chắn. Không kể nắng mưa, hàng ngày anh Diu ra suối làm cầu, mong sao cây cầu được hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Thấy việc làm của anh Diu mang lại lợi ích thiết thực, người dân thôn Hoắc rất đồng tình ủng hộ, họ tự nguyện đóng góp tiền, ngày công cùng anh làm cầu. Sau 1 tháng thi công, cây cầu bằng gỗ dài hơn 10 m, rộng 1,5 m, có đường dẫn 2 bên cầu bằng bê tông dài 30 m đã hoàn thành trong sự vui mừng của bà con thôn Hoắc, đặc biệt là các em học sinh.
Em Lê Thanh Tùng, học sinh trường tiểu học xã Thái Bình cho biết: Trước đây chưa có cầu, chúng cháu phải lội suối đi học hoặc bố mẹ phải đưa đi. Bây giờ có cầu rồi, chúng cháu tự đạp xe tới trường, không bị muộn học như trước nữa.