Từ khi còn là sinh viên ngành Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Lê Thị Phương (sinh năm 1988) luôn dành tình yêu đặc biệt cho nghiên cứu khoa học. Với cô, chuyện học tập, làm việc cùng hóa học hàng ngày đã trở thành một thói quen khiến cô say mê. Vượt qua nhiều rào cản của một người phụ nữ dấn thân vào nghiên cứu khoa học, nhất là đối với ngành hóa học, Lê Thị Phương đã hoàn thành chương trình đại học với kết quả xuất sắc. Ra trường, để tiếp tục theo đuổi đam mê, Lê Thị Phương đầu quân cho Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Sau 2 năm làm việc, cô có cơ hội tới Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh ở Đại học Ajou. Nhớ lại quãng thời gian học tập, nghiên cứu, làm việc tại đây, Tiến sĩ Lê Thị Phương chia sẻ, 5 năm đầu là giai đoạn khó khăn và khốc liệt nhất, khi tự mình phải làm quen môi trường sống, phong cách làm việc mới. Tuy nhiên, mỗi lần gặp áp lực hay rào cản, cô luôn tự động viên bản thân mình vượt qua để theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học, kiên định con đường đã lựa chọn.
Trên hành trình nghiên cứu vật liệu y sinh, Tiến sĩ Phương hướng đến nghiên cứu các vật liệu mới, có tính tương hợp sinh học cao và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh hiệu quả hơn so với phương pháp truyền thống. Một trong những công trình mà nữ Tiến sĩ trẻ Lê Thị Phương dày công nghiên cứu là “hydrogel tiêm tại chỗ”. Đây là loại vật liệu tiên tiến đang được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng y sinh như chữa lành vết thương, tái tạo mô, giúp nâng cao sức khỏe của bệnh nhân ngay tại nhà.
Theo Tiến sĩ Phương, đa số vết thương lớn hiện nay phải dùng chỉ khâu và băng gạc đồng thời đòi hỏi người thực hiện có tay nghề, hiểu biết trong ngành y. Tuy nhiên, đối với hydrogel tiêm, người bệnh chỉ cần tiêm vào vết thương, hydrogel sẽ bao phủ, kích thích làm lành vết thương nhanh hơn. Hơn nữa, việc tiêm hydrogel có thể làm tại nhà mà không cần đến bệnh viện hay cơ sở y tế. Không ngừng phát huy kết quả này, Tiến sĩ Phương cũng cải tiến thêm các thành phần, tính chất khác cho hydrogel như khả năng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm sự hình thành sẹo... hướng đến tạo ra sản phẩm thương mại có giá thành hợp lý để ngày càng có nhiều bệnh nhân tiếp cận phương pháp điều trị này.
Khi sự nghiệp nghiên cứu ở Hàn Quốc phát triển cũng là lúc Tiến sĩ Phương đứng trước nhiều áp lực, quyết định phải lựa chọn ở lại nghiên cứu hay về nước. Cuối cùng, cô quyết định trở về Việt Nam để vừa nghiên cứu, vừa giảng dạy, truyền đam mê khoa học cho các bạn trẻ đồng thời xây dựng đội ngũ nghiên cứu riêng. Tiến sĩ Phương lên kế hoạch tiếp xúc, hướng dẫn sâu hơn cho các bạn trẻ học sinh, sinh viên ngành khoa học. Cô cho rằng, việc trực tiếp gặp gỡ, truyền cảm hứng và giao lưu với các bạn trẻ là con đường ngắn nhất để chia sẻ đam mê khoa học tới đông đảo sinh viên, thanh niên.
Trên giảng đường, Tiến sĩ Phương luôn dành một khoảng thời gian để định hướng cho các bạn sinh viên khi xác định dấn thân vào khoa học, kỹ năng tìm và chọn lọc thông tin một cách thông minh, nhanh chóng. Trong bối cảnh khoa học công nghệ không ngừng phát triển như ngày nay, kiến thức chuyên môn và tài liệu đã dễ dàng tiếp cận từ mọi nơi, quan trọng là người làm khoa học cần có sự cống hiến hết mình. “Chăm chỉ, đam mê với mục tiêu của mình, dám đương đầu khó khăn và vượt qua vùng an toàn của bản thân chính những yếu tố làm tiền đề cần có ở các bạn trẻ để thành công trên con đường nghiên cứu khoa học”, Tiến sĩ Lê Thị Phương chia sẻ.
Với quá trình cống hiến của mình, Tiến sĩ Lê Thị Phương đang "thu thập" cho mình một bộ thành tích đáng khích lệ. Đó là đạt được danh hiệu Quả cầu vàng năm 2022, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2022, cùng với đó là gần 30 bài báo khoa học xuất bản trên các tạp chí uy tín thế giới, có 2 bằng sáng chế quốc tế tại Mỹ và 3 bằng sáng chế quốc gia. Chị còn được nhận giải thưởng thưởng dành cho nhà khoa học nữ có công trình nghiên cứu nổi bật của Hiệp hội Vật liệu Sinh học Hàn Quốc năm 2021. Với chị, những kết quả này mới chỉ là sự bắt đầu và khích lệ chị không ngừng nỗ lực hoàn thiện, phát triển các công trình nghiên cứu cũng như trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.
Xác định những nghiên cứu nếu chỉ dừng lại trên lý thuyết hay những bằng sáng chế mà không phục vụ con người, cộng đồng thì chưa hoàn thành sứ mệnh, Tiến sĩ trẻ Lê Thị Phương vẫn miệt mài trên con đường hiện thực hóa ước mơ của riêng mình và tiếp tục hành trình truyền đạt kiến thức, đam mê khoa học tới nhiều bạn trẻ.