Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình bày tỏ cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản JICA, Trung tâm AHA-ASEAN đã hỗ trợ kịp thời, động viên nhân dân Thừa Thiên - Huế khắc phục hậu quả lũ lụt và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thanh Bình cũng đồng thời yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai tiếp nhận và phân bổ nhanh các trang thiết bị, hàng hóa hỗ trợ đúng đối tượng, quản lý, bảo quản sử dụng đúng mục đích.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước tình hình thiên tai diễn biến bất lợi, ngay trong những ngày đầu xảy ra mưa lũ, UBND tỉnh đã xuất cấp và phân phối đến nhân dân 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và .700 thùng mì tôm từ nguồn dự trữ lương thực phòng chống thiên tai cấp tỉnh và 150 suất hàng hỗ trợ nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 (huyện Phong Điền). Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xuất cấp 1.000 tấn gạo và 4 tấn lương khô từ nguồn dự trữ quốc gia cho nhân dân bị ảnh hưởng mưa lũ, Sở Lao động Thương binh và xã hội, các địa phương đã triển khai phân bổ cho người dân.
Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuyển cấp cho tỉnh Thừa Thiên - Huế 250 tấm bạt nhựa và 50 máy lọc nước do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ; 500 bộ dụng cụ sửa nhà và 650 bộ dụng cụ làm bếp từ nguồn viện trợ của Trung tâm điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA). Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp 2 máy phát điện loại 30KVA, 3 xuồng cao tốc các loại, 28 nhà bạt các loại, 2.000 phao áo, 1.000 phao tròn, 30 phao bè. Cục cứu hộ - Cứu nạn trực tiếp bàn giao 3 xuồng cứu sinh, 36 máy phát điện loại 5-7KV, 1.000 áo phao, 10 máy bơm chữa cháy và 10,5 tấn lương khô.
Ngay sau đó, UBND tỉnh đã quyết định phân bổ các hàng hóa, vật tư, trang thiết bị này về các đơn vị, địa phương để kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, sớm ổn định cuộc sống và sẵn sáng ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo phía trước.
Liên tiếp từ ngày 6 - 22/10, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xuất hiện một tổ hợp hình thế thời tiết vô cùng cực đoan, với lượng mưa trung bình toàn tỉnh đạt 2.400 mm, có nơi cao hơn như Bạch Mã 3.000mm, A Lưới 2.970mm, bằng 84% tổng lượng mưa trung bình cả năm. Trên các sông đã xuất hiện 3 cơn lũ đặc biệt lớn, với mức nước sông Bồ có 3 lần vượt báo động 3, trong đó có 1 lần đạt 5,24m, vượt mức lịch sử năm 1999 (là 5,18m). Trên sông Hương mức nước cao nhất đạt 4,17m, trên báo động 3 là 0,67m.
Mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm 29 người chết, 14 người mất tích, 36 người bị thương, nhiều nhà cửa, vật chất của nhân dân bị hư hỏng nặng, sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ, bị đình trệ dài ngày; nhiều diện tích nông nghiệp, thủy sản bị mất trắng; công trình hạ tầng dân sinh y tế, giáo dục, giao thông, thủy lợi bị hư hỏng nặng.
Hiện nay, các lực lượng quân đội, công an, địa phương đang tập trung tổng lực các phương tiện cơ giới khẩn trương triển khai công tác cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền); quá trình tìm kiếm luôn bám sát diễn biến thời tiết, có phương án đảm bảo an toàn cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn.
Bên cạnh đó, các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung triển khai các phương án khắc phục thiệt hại do mưa lũ; kịp thời cứu trợ, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt là người dân ở những vùng bị chia cắt, không để người dân bị thiếu đói, rét.
Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" các tổ chức, cá nhân đã trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức tiếp nhận viện trợ của tỉnh đã đóng góp nhiều suất hàng hỗ trợ kịp thời cho đồng bào ở vùng lũ. Tính đến ngày 22/10, UBMTTQVN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp nhận 29,3 tỷ đồng, Hội Chữ Thập đỏ tỉnh đã tiếp nhận 5,4 tỷ đồng.