Không qua trường lớp đào tạo, chỉ bằng kinh nghiệm thực tế, nông dân Hà Kim Tới, khu 8, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, đã tự sáng tạo thành công chiếc máy ruôi sắn, giúp giải phóng sức lao động, tăng hiệu quả kinh tế.Chiếc máy ruôi sắn có thể vừa ruôi, vừa tách vỏ gỗ, với năng suất 800 - 1.000 kg sắn tươi/giờ, tận dụng được 100% sắn, không gây lãng phí. Chỉ cần một người điều khiển, nhưng năng suất bằng 10 người làm và 20 lần so với bàn nạo thủ công, chủ động về thời vụ, nâng cao chất lượng và giá thành sắn.
Máy ruôi sắn của anh Hà Kim Tới. |
Hiện máy ruôi sắn không chỉ được áp dụng rộng rãi ở Phú Thọ mà còn ở các tỉnh: Yên Bái, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Hòa Bình, Cao Bằng...
Anh Hà Kim Tới cho biết, anh chế tạo ra chiếc máy này là vì thấy bà con quá vất vả khi thu hoạch, ruôi sắn phơi khô. Ở địa phương anh, phần lớn diện tích đất đồi đều được trồng sắn, hàng năm thu hoạch hàng chục vạn tấn sắn tươi phục vụ các cơ sở chế biến sắn hoặc phát triển chăn nuôi. Từ nhiều năm nay, công việc ruôi sắn đều làm bằng thủ công, vừa mất thời gian, vừa tốn công sức, lại có thể bị xước tay, chảy máu.
Qua nhiều lần thất bại, sắt nguyên liệu thử nghiệm đều thành phế liệu, có thời điểm tưởng chừng phải bỏ dở, nhưng với niềm say mê và sự kiên nhẫn, sau 4 năm nghiên cứu, anh Tới đã lắp ráp hoàn chỉnh chiếc máy ruôi sắn chạy bằng điện hoặc xăng và bắt đầu dùng thử, đem lại hiệu quả hơn mong đợi, được người dân các vùng trồng sắn sử dụng rộng rãi.
Không chỉ có tài, anh Tới còn là người giàu lòng nhân ái. Anh luôn sẵn lòng giúp đỡ nhiều hộ gia đình vay vốn, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm để họ thoát nghèo. Anh còn tiên phong hiến ruộng, vườn, ủng hộ hàng chục triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Với những thành tích đạt được, 5 năm liền gia đình anh Tới đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng sản phẩm máy ruôi sắn đã đạt nhiều giải thưởng cao tại các hội thi sáng tạo của tỉnh và Trung ương.