Trong đó, các nhà địa chất đã thực hiện biết bao công trình điều tra, nghiên cứu cơ bản; lập bản đồ địa chất, điều tra, tìm kiếm và thăm dò khoáng sản; đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong quá trình phát hiện các mỏ khoáng sản, dầu khí, các nguồn nước… Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học, khoáng sản… là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các nhà địa chất.
"Người trinh sát" trong lĩnh vực địa chất
Với 32 năm gắn bó với nghề địa chất, Tiến sỹ Vũ Quang Lân, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) bộc bạch: "Cuộc đời của nhà địa chất luôn gắn liền với những chuyến đi không ít gian nan, nguy hiểm nhưng cũng nhiều kỷ niệm khó quên".
Đo vẽ lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đi trước một bước của ngành Địa chất. Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa tầng, magma, kiến tạo, cấu trúc địa chất, địa mạo, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản và tài nguyên địa chất khác là những chuyến đi vất vả, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí "đổ máu" của các nhà địa chất.
Hơn 30 năm trong nghề, với nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng cho đến giờ Tiến sỹ Vũ Quang Lân vẫn không thể quên những năm tháng vất vả làm việc nơi rừng sâu nhưng với lòng yêu nghề và sự hăng say nghiên cứu khoa học đã giúp ông vượt qua tất cả.
Tiến sỹ Vũ Quang Lân nhớ lại, ngay từ khi còn làm chủ nhiệm đề án Lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 nhóm tờ Hà Quảng, cả tập thể cán bộ công nhân viên đề án phải thường xuyên đi thực địa ở rừng sâu, núi thẳm, sống xa gia đình và người thân. Cuối năm 2007, đoàn thực địa gồm 5 người phải đi bộ từ Ủy ban nhân dân xã Xuân Trường (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) đến bản Lũng Pù mà đi bộ từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mới đến nơi. Đây là bản người Nùng ở sát biên giới. Khi hành quân, mỗi người đều vác trên vai xoong nồi, chăn màn và dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác khảo sát thực địa. Do mưa kéo dài, đường núi khó đi, nên mọi người phải bám chặt chân vào mặt đường đất trơn trượt.
"Khó khăn vất vả là thế, nhưng khi vào đến bản, cả đoàn không được mang chăn màn vào vì tục lệ nơi đây không cho người ở nơi khác đến mang chăn màn vào bản. Đêm mùa đông năm đó ở nơi "rừng thiêng, nước độc", trời lạnh đến thấu xương, cả 5 thành viên của đoàn đều không có chăn đắp nên nằm co ro mong trời sáng để đến hôm sau tiếp tục công việc. Hôm sau, nhờ sự can thiệp của Trưởng bản nên bà con người Nùng đã cho đoàn mượn chăn màn để dùng trong thời gian đoàn sống tại bản", Tiến sỹ Vũ Quang Lân nói.
Cũng không ít lần trong các chuyến thực địa, nhiều cán bộ kỹ thuật Liên đoàn bị sốt rét do muỗi rừng đốt, có trường hợp bị rắn độc cắn trong khi không có phương tiện di chuyển dễ dàng như ở vùng đồng bằng nên những người địa chất phải thay nhau khiêng đồng nghiệp đi hàng chục km đường rừng đến cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị kịp thời.
Những cố gắng, can đảm vượt qua khó khăn, sẵn sàng chấp nhận với tình huống bất chợt nảy sinh, không dự tính trước của nhà địa chất đã mang lại ý nghĩa hết sức lớn lao được thể hiện ở kết quả của các đề án. Sau những chuyến đi thực địa dài ngày, các Báo cáo kết quả thực hiện đề án với hàm lượng khoa học cao, có tính thuyết phục, khẳng định kết quả thực hiện các đề án lập bản đồ địa chất đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về địa chất khu vực, xác định được nhiều diện tích có triển vọng khoáng sản để đánh giá tiếp theo.
Trong 10 năm trở lại đây, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã thực hiện thành công nhiều đề án, đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội của đất nước như: Các phát hiện về chì - kẽm Đèo Ách, sắt Tân An, Minh An, và đá mĩ nghệ Suối Giàng (Yên Bái); wolfram, thiếc Vị Xuyên (Hà Giang); vàng Hứa Cuổi, Sìn Hồ (Lai Châu); graphit Làng Chang, Bảo Thắng; đồng, vàng Nậm Lang, Sa Pa (Lào Cai)… Nhà địa chất thường phải đi thực địa thường xuyên, vào mùa khô, mỗi chuyến đi kéo dài vài tuần, có khi kéo dài vài tháng, thậm chí gần 1 năm, có khi gần ngày Tết mới được về nhà. Theo thời gian, dấu chân nhà địa chất in dấu khắp nơi trên đất nước, đặc biệt ở những vùng núi và vùng sâu, vùng xa.
Đối với người làm công tác lập bản đồ địa chất, là những người đầu tiên thực hiện công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản ở mọi miền của Tổ quốc. Với những chuyến đi thực địa chủ yếu ở vùng núi, dân cư thưa thớt, chỉ có một số bà con vùng dân tộc thiểu số. Khi đi thực địa, trên lưng người địa chất không thể thiếu các dụng cụ như xoong, nồi, bát, đũa, 1-2 cân cá khô, vài cân gạo và bữa ăn chủ yếu có cá khô và rau rừng, họa hoằn mới được cải thiện khi mua được thịt lợn hoặc gà của bà con dân bản.
Sau mỗi mùa đi thực địa là thời gian trở lại văn phòng. Đây là khoảng thời gian các nhà địa chất làm việc âm thầm và tỉ mỉ với những mẫu vật… để bắt các mẫu đá, mẫu quặng vô tri vô giác phải "lên tiếng".
Trong suốt 32 năm qua, gắn bó với Liên đoàn, Tiến sỹ Vũ Quang Lân cùng các đồng nghiệp luôn đoàn kết và có nhiều đóng góp cho Ngành. Riêng ông, đến nay đã chủ trì hoàn thành: 1 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia, 1 đề tài nghiên cứu cơ bản; 8 đề án, đề tài cấp bộ, cấp tỉnh. Ông cũng là thành viên chính của 1 đề án hợp tác quốc tế, 4 đề tài cấp quốc gia và 7 đề án, đề tài cấp bộ, cấp tỉnh. Cùng với đồng nghiệp, ông đã công bố 75 bài báo, báo cáo khoa học trên các tạp chí, hội nghị khoa học ở trong nước và quốc tế, 4 sách chuyên khảo về địa chất và khoáng sản. Tiến sỹ Vũ Quang Lân đã từng được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành Tài nguyên và Môi trường; bằng khen của Bộ Công nghiệp, của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và Công đoàn viên chức Việt Nam.
Thử thách với nghề
Vượt núi băng rừng, tìm nhiều nguồn tài nguyên cho đất nước, đó là công việc đặc thù riêng biệt của những nhà địa chất và cũng không thể nhầm lẫn với bất kỳ ngành nghề nào khác…
Cuộc đời của nhà địa chất là những chuyến đi, không ít gian khổ, hiểm nguy, nhưng cũng đầy cảm xúc. Tiến sỹ Trần Văn Thành, Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc chia sẻ, mỗi khi đi thực địa, cán bộ, điều tra viên địa chất phải đến sống và làm việc tại các vùng có địa hình, giao thông không thuận lợi. Những khu vực đó chủ yếu là vùng dân tộc thiểu số, điều kiện sinh hoạt khó khăn; có nơi thường xảy ra thiên tai trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét. Đặc biệt, có những vùng biên giới vẫn còn mìn, đoàn thực địa phải nhờ Bộ đội Biên phòng dẫn đi, tránh những khu vực nguy hiểm. Thậm chí, có những vùng còn nhiều hủ tục nên người dân địa phương không cho đoàn vào khảo sát…
Kể về những hiểm nguy mà cán bộ địa chất đã phải đối mặt, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt của rừng sâu thì có rất nhiều. Là cán bộ trẻ, mặc dù chưa được trải nghiệm nhiều những chuyến đi như thế nhưng lần đi thực địa tại Mường Nhé vào mùa hè năm 2018 đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Tiến sỹ Trần Văn Thành. Anh chia sẻ, năm 2018, đoàn thực địa đề án Mường Nhé gồm 23 cán bộ, công nhân viên đóng quân ở thềm bậc I của suối Nậm Ma. Đây là điểm trường tiểu học bản Phìn Khò, xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trường được xây dựng khang trang, các lớp học được xây dựng kiên cố nhà đổ mái bằng. Các phòng ở của học sinh, các thầy, cô giáo được làm bằng mái lợp tôn. Do dịp đó, là thời gian học sinh nghỉ hè nên nhà trường đã tạo điều kiện cho đoàn cán bộ địa chất ở để thực hiện nhiệm vụ. Nhưng thật bất ngờ, khi đoàn vừa thu xếp xong nơi ăn nghỉ thì bất ngờ đêm đó mưa to kéo dài, tình hình lũ diễn biến rất nhanh. Ngay trong đêm các thành viên trong đoàn, cùng với bảo vệ nhà trường khẩn trương di chuyển tài liệu cùng thiết bị làm việc đến nơi an toàn. Đến rạng sáng, toàn bộ nhà cửa, cơ sở hạ tầng của nhà trường bị sập đổ, vùi lấp trong đất, đá.
Những ngày sau đó, khu vực Mù Cả hoàn toàn bị cô lập do đường về Điện Biên và Mường Tè đều bị phá hỏng vì sạt lở núi. Cuộc sống của người dân và các cán bộ địa chất càng trở nên khó khăn. Anh em địa chất được bố trí ở tạm tại Trạm liên ngành khu vực Mù Cả. Các thành viên trong đoàn phải huy động tất cả những vật dụng của cá nhân, tổ chức ổn định sinh hoạt. Mấy ngày sau, khi đường Quốc lộ 4H về Điện Biên đã thông xe, các thành viên trong đoàn vừa trở về xuôi thì nhận được tin báo, sườn núi sau Trạm liên ngành đã bị sạt lở nghiêm trọng, toàn bộ vật dụng sinh hoạt, dụng cụ làm việc của đoàn cũng bị vùi lấp không thể lấy lại được.
Bước chân các nhà địa chất in dấu khắp nơi trên đất nước, từ núi rừng đến biển đảo. Hành trang trong ba-lô mỗi chuyến thực địa là búa, bản đồ, bút chì, nhật ký, máy ảnh, địa bàn…Nhưng những công việc của các nhà địa chất là những công trình có giá trị khoa học và thực tiễn, phục vụ điều tra cơ bản và tìm kiếm, thăm dò khoáng sản cho đất nước và còn mang trong đó nhiều giá trị văn hóa. Ngoài việc đo vẽ bản đồ địa chất, thăm dò khoáng sản, họ còn tìm kiếm dấu tích lịch sử Trái đất. Thành tựu đáng tự hào của các nhà địa chất là đã đo vẽ phủ kín bản đồ địa chất tỷ lệ 1/500.000, 1/200.000 toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và hơn 70% diện tích đất liền của Tổ quốc đã được đo vẽ địa chất và điều tra khoáng sản ở tỷ lệ 1/50.000 - điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
Mặc dù công việc của những cán bộ ngành Địa chất có nhiều khó khăn, với những chuyến đi kéo dài, chủ yếu ở nơi "rừng thiêng, nước độc" nhưng bằng lòng yêu nghề, đoàn kết, phối hợp hỗ trợ nhau trong công việc, các cán bộ địa chất của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Bắc đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về những nhà khoa học với sự cống hiến thầm lặng.