Do bị di chứng chất độc da cam từ người cha nên khi sinh ra (1981), anh Nguyễn Ngọc Phương, đã bị tàn tật, dáng người nhỏ bé, chỉ cao gần 1 mét. Anh Phương lại là con thứ hai trong gia đình sáu anh em, vì hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình. Với bản tính chịu khó, ham học hỏi, anh đã cần mẫn làm việc để có chi phí trang trải cuộc sống tại Sài Gòn, gửi về gia đình và học nghề sửa xe máy.
Sau khi học xong và có ít vốn do tiết kiệm được, anh đã trở về quê mở tiệm sửa xe tại thành phố Đà Nẵng. Cần mẫn chăm chỉ làm việc, cùng với tay nghề giỏi và lòng nhiệt tình, anh Phương không chỉ sửa xe máy mà còn sửa được các đồ gia dụng trong gia đình, nên được mọi người quý mến, thán phục. Trong một lần đến Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng, biết được hoàn cảnh khó khăn và cảm phục nghị lực vượt khó của anh, lãnh đạo Trung tâm đã mời anh về tham gia công tác chăm sóc, dạy nghề cho các nạn nhân ở đây.
Nhìn những nạn nhân bị tàn tật, nhiễm chất độc da cam, khó khăn trong đi lại, ăn nói, anh đã nhận lời làm tình nguyện viên cho Trung tâm. Lúc đầu, mỗi tuần 3 buổi anh đến hỗ trợ cán bộ, nhân viên Trung tâm chăm sóc các nạn nhân. Nhưng rồi từ khi nào không biết, đã không còn tuần 3 buổi đến Trung tâm mà ngày nào anh cũng có mặt tại đây để chăm sóc, giúp đỡ các nạn nhân.
Theo anh Phương, những ngày đầu ở Trung tâm, anh gặp nhiều khó khăn trong công việc, bởi các nạn nhân đa phần dị tật bẩm sinh, hầu hết nói không ra lời hoặc nói rất chậm và nhút nhát nên việc dạy cho các em biết chào hỏi, vâng lời… phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các em nhớ. Anh Phương chia sẻ: “Em Trần Quốc Chính vào Trung tâm đã được 8 năm, lúc đầu rất lập dị, tính tình bất thường, khó bảo, là một trong những “siêu quậy” ở Trung tâm. Mới ngày đầu làm quen giúp Chính, mình còn bị em ấy đánh sưng mặt vì dám lại gần. Nhưng bằng kinh nghiệm của bản thân với những cách dạy đặc biệt của mình, giờ đây em đã trở nên ngoan hiền, là người rất tình cảm và là phụ tá đặc biệt hỗ trợ mình nhiều việc tại tổ làm hương và theo dõi giúp các bạn khuyết tật nặng tại Trung tâm”.
Em Ngô Thành học trò của thầy Phương chia sẻ, ban đầu nhìn thấy thầy còn “nhỏ bé” hơn mình nhưng việc gì thầy cũng làm được, nên em rất ngưỡng mộ và dần đã hết mặc cảm, tự tin hơn về bản thân.
Không những đứng lớp dạy học, thầy Phương còn kiêm nhiệm luôn cả khâu sửa chữa máy móc, các thiết bị điện cho Trung tâm. Nhờ đó, Trung tâm đã tiết kiệm được nhiều khoản chi phí trong hoạt động hàng ngày mà không phải thuê thợ đến sửa mỗi khi thiết bị hư hỏng như trước đây.
Hiện thầy Nguyễn Ngọc Phương đang làm Tổ trưởng Tổ sản xuất hương có thương hiệu Hương Thơm của Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng. Thầy Phương cho biết, thầy cũng không biết làm hương, nhưng khi thấy Trung tâm có máy làm hương, lâu nay hoạt động cầm chừng và máy hay hỏng không có người sửa. Do biết về kỹ thuật, cộng với bản tính tò mò nên thầy đã sửa chữa và đưa máy vào hoạt động đều.
Lúc đầu, thầy Phương tự căn chỉnh máy, rồi hướng dẫn các em trong tổ làm hương sản xuất hương sạch, không sử dụng hóa chất, mà làm từ bột gỗ và bột vỏ cây quế nên mùi thơm tự nhiên, rất được người dùng ưa thích. Mỗi tháng, Tổ sản xuất tiêu thụ từ 800 – 1.000 bó hương. Nhờ vậy, Trung tâm có sản phẩm đưa đi giới thiệu với các đơn vị kinh doanh và được các đơn vị này tiếp nhận trưng bày, bán sản phẩm Hương Thơm. Đầu ra ổn định, có việc làm thường xuyên hơn, nên các em trong Tổ rất hăng say làm việc.
Phó Giám đốc Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng Võ Thị Thu cho biết: Bằng sự tận tâm, nhiệt huyết với công việc, thầy Phương đã giúp các nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh ở Trung tâm có thêm niềm tin yêu cuộc sống, tiếp thêm nghị lực, giúp các em tự tin, không còn mặc cảm để hòa nhập cộng đồng. Bản thân thầy Phương là một nạn nhân da cam với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhưng đã vượt khó vươn lên, xứng đáng là một tấm gương để cả Trung tâm học tập.
Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và Trẻ em bất hạnh Đà Nẵng đang chăm sóc 60 nạn nhân da cam, từ 7 - 30 tuổi. Hiện nay, Trung tâm đặt một cửa hàng ngay phía trước, vừa sản xuất vừa trưng bày, bán sản phẩm Hương Thơm, do các nạn nhân da cam sản xuất. Nhờ đó, những mảnh đời không may mắn này được làm việc, được khẳng định và hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội./.