Quyết tâm dạy bơi khi nghe tin có nhiều trẻ bị đuối nước
Bà Trần Thị Kim Thia (65 tuổi, thường được gọi là bà Sáu Thia, ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người dân địa phương biết đến khi tổ chức các lớp bơi miễn phí cho trẻ em. “Dịp hè này, hơn 200 cháu đã đăng ký học bơi lớp miễn phí, càng nhiều trẻ biết bơi sẽ càng hạn chế đuối nước”, bà Sáu Thia chia sẻ.
Bà Sáu Thia sống một mình, không lập gia đình, nên thường xuyên tham gia công tác xã hội. Hiện nay, bà là Chi hội phó Chi hội phụ nữ ấp 4, xã Hưng Thạnh. Cách đây hơn 20 năm, khi địa phương cần người dạy bơi để phòng chống tình trạng đuối nước ở trẻ em, bà đã được Hội phụ nữ, chính quyền địa phương động viên mở lớp dạy bơi.
"Hồi đó, chị Chủ tịch Hội phụ nữ xã đề nghị tôi tôi dạy bơi cho các cháu, nhằm hạn chế trẻ em bị đuối nước. Tôi đã không suy nghĩ nhiều, đồng ý liền, vì thấy thông tin trên báo đài có nhiều trường hợp trẻ em bị đuối nước, dẫn đến nhiều vụ việc thương tâm...", bà Sáu Thia nhớ lại.
Bà Sáu Thia cùng với người dân địa phương bắt tay vào công việc. Ban đầu, mọi người trong xã cắm cây, vây lưới ở những khúc sông thích hợp để làm nơi cho trẻ em tập bơi. Khi chỗ tập bơi cho trẻ được chuẩn bị xong, bà lại đến từng nhà vận động cho trẻ tham gia học. Lúc đầu, số lượng trẻ tham gia học bơi còn ít, do nhiều bậc phụ huynh nghi ngờ về khả năng dạy bơi của bà, nhưng khi đến trực tiếp xem bà dùng tay ôm, nâng từng em đạp nước tiến về phía trước và ân cần hướng dẫn cách ngụp lặn an toàn, ai cũng yên tâm...
"Tiếng lành đồn xa", không chỉ những đứa trẻ trong xã, mà ở nhiều xã lân cận cũng tìm đến bà Sáu Thia để học bơi. Số trẻ em biết bơi từ lớp học bà Sáu Thia đến nay đã có tới hơn 5.000 trẻ.
Niềm vui khi có nhiều trẻ em biết bơi
Sau một thời gian cắm cây, vây lưới dưới sông để dạy bơi cho trẻ, năm 2016, có nhà hảo tâm tài trợ cho bà Sáu Thia hồ bơi bằng nhựa đặt tại Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng xã, góp phần giúp việc dạy bơi của bà an toàn, đỡ vất vả hơn.
Suốt thời gian dài miệt mài dạy bơi, mỗi tháng, bà Sáu Thia được xã hỗ trợ một phần tiền xăng xe. Còn lại, ba không lấy một đồng tiền học phí nào của phụ huynh. Ngoài thời gian dạy bơi cho trẻ, bà Sáu Thia cũng miệt mài mưu sinh, với đủ thứ nghề như giăng lưới, bán vé số… để có tiền trang trải cuộc sống. Thế nhưng, những vất vả mưu sinh chẳng là gì so với niềm vui, hạnh phúc có thêm một đứa trẻ biết bơi, biết tự bảo vệ mình trước những hiểm nguy của dòng kênh, con nước...
"Tuy đã lớn tuổi, nhưng tôi sẽ cố gắng dạy bơi cho các cháu. Còn sức khỏe thì tôi sẽ còn làm, thêm mỗi trẻ biết bơi, là tôi thêm mừng. Đó chính là niềm tin, động lực để tôi tiếp tục với công việc này...", bà Sáu Thia tâm sự.
Khi được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam, bà Sáu Thia bày tỏ: "Tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày được góp mặt, được tôn vinh tại chương trình lớn. Cuộc đời tôi chỉ gắn bó với miền Tây, với sông nước, nên chuyện đặt chân tới Thủ đô là điều không bao giờ nghĩ tới. Tôi sống một mình, không chồng, không con, ăn uống cũng đơn giản, nên khi nhận được tiền thưởng từ chương trình, tôi vẫn sẽ tiếp tục trích ra để mua đồ, phục vụ cho các em học bơi. Bây giờ, tôi dần hiểu trách nhiệm của mình, không chỉ đơn giản là huấn luyện trẻ biết bơi, mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp, truyền cảm hứng về công tác phòng chống đuối nước ở vùng sâu, vùng xa Đồng Tháp đến các tỉnh thành khác trên cả nước".
Với những đóng góp và cống hiến của mình, bà Trần Thị Kim Thia đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Đồng Tháp. Mới đây, bà vinh dự là 1 trong số 20 tập thể, cá nhân xuất sắc, tiêu biểu được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2024 với chủ đề "20 năm khơi nguồn sức mạnh Việt Nam".