“Dùng nghề làm đẹp cho mọi người” là câu thường xuyên được anh Lê Văn Vững nói với học trò của mình. Tiệm tóc này khá đặc biệt, bởi không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn là điểm đến hớt tóc, học nghề 0 đồng của những người có hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư. Việc hớt tóc thiện nguyện tỏa đi khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, không chỉ là đem đến mái tóc mới gọn gàng hơn cho người dân nghèo mà còn gửi gắm tình người ấm áp, lan tỏa thông điệp sẻ chia.
Anh Lê Văn Vững năm nay 25 tuổi, là người con đất Tây Đô - thành phố Cần Thơ. Do gia đình khó khăn, Vững nghỉ học từ năm lớp 6. Từ đó, Vững bươn chải nhiều nghề kiếm tiền phụ giúp gia đình như: phụ hồ, bốc vác, phụ ghe… Năm 20 tuổi, Lê Văn Vững tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự và đây cũng là cơ duyên đưa anh đến với nghề cắt tóc. Hơn 2 năm trong quân ngũ, anh được truyền lửa bởi người bạn cùng phòng. Chỉ với dụng cụ cắt tóc thô sơ, cách tạo kiểu tóc đơn giản nhưng đã dấy lên khát vọng trong lòng Vững về nghề cắt tóc.
Năm 2016, Lê Văn Vững dùng số tiền xuất ngũ để đi học nghề cắt tóc. Năm 2017, anh chính thức mở tiệm cắt tóc “Lê Vững Barbershop” đầu tiên. Đến nay, tiệm tóc đã có 4 chi nhánh trong nội ô thành phố Cần Thơ với trên 20 thợ chính và phụ. Ngoài phục vụ khách đến cắt tóc tại chỗ, mỗi tháng, anh lại tổ chức nhân viên chia ra thành nhiều nhóm kết hợp với các đoàn thiện nguyện để đến vùng sâu, gặp gỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em nghèo, người già, người tàn tật, người bán vé số để cắt tóc miễn phí.
Tịnh xá Ngọc Liên (huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) là một trong những địa điểm cắt tóc miễn phí quen thuộc của nhóm.
Em Lê Tiến Hưng (học sinh lớp 10, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ) đến hớt tóc 0 đồng tại tịnh xá Ngọc Liên chia sẻ: Ban đầu, em thấy ngại nhưng khi đề nghị được hớt tóc, các anh chị niềm nở mời vào ngồi, khiến em cảm thấy rất vui. Việc cắt tóc đẹp, tỉ mỉ, thái độ dễ gần, thân thiện, vui vẻ làm em rất hài lòng thích thú.
Khi được hỏi về cơ duyên và thời gian triển khai mô hình cắt tóc 0 đồng, anh Lê Văn Vững tâm sự: Tôi và nhóm đã có hơn 3 năm hoạt động thiện nguyện. Bản thân tôi cùng nhóm bạn không nhớ hết những nơi từng đến, chỉ biết càng đi càng nghiện, càng thấy yêu thích.
“Động lực của tôi là muốn mang niềm vui đến cho tất cả mọi người, mang chính nghề của mình giúp cho mọi người. Rất may là các bạn học viên và nhân viên tại tiệm cũng đều chung chí hướng và mong muốn làm từ thiện nên chúng tôi tìm được tiếng nói chung, cũng như sự hứng khởi trong mỗi chuyến đi” - anh Lê Văn Vững chia sẻ.
Trong những chuyến từ thiện thực tế, nhân viên của tiệm Lê Vững Barbershop được trải nghiệm và học cắt tóc bằng cái tâm của mình. Để tình thương được nhân rộng hơn, nhiều bạn trẻ đam mê thiện nguyện hơn, đầu năm 2020, anh Lê Văn Vững mở thêm lớp học hớt tóc 0 đồng với gần 10 học viên. Khóa học 0 đồng dài nhất cũng khoảng 3 tháng là ra nghề, ai chưa có định hướng nghề nghiệp, nếu đủ đam mê, đều được Vững cho theo học.
Em Lê Thị Kiều Nguyệt (trú tại huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) tìm đến học nghề thông qua thông tin trên mạng xã hội Facebook. Em Nguyệt cho biết: Lúc đầu nghe lớp 0 đồng, em cũng e ngại. Nhưng vào học rồi mới thấy, thầy dạy rất tận tình, luôn giúp đỡ em trong mọi công việc, không giấu nghề. Mỗi lần đi thiện nguyện là em đều xung phong, em muốn đi theo để giúp đỡ mọi người, mình cũng được học hỏi thêm rất nhiều.
Dù đã đi đúng hướng mình mong muốn nhưng Lê Văn Vững vẫn không thôi suy nghĩ hoạt động cho tương lai. Song song với khóa học 0 đồng, anh cùng nhóm bạn mỗi người sẽ sắm một chiếc xe Honda có gắn bộ dụng cụ cắt tóc, để đến từng nhà phục vụ miễn phí cho những cụ già, người tàn tật… không có sức khỏe để đi đến tiệm hay đến nơi cắt tóc từ thiện.
“Công việc này sẽ duy trì lâu dài, chứ không ngưng giữa chừng. Tùy theo khả năng của mình, tôi sẽ phát triển thêm các hoạt động thiện nguyện với mong muốn ngày càng mở rộng địa bàn phục vụ bà con trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tôi mong ngày càng có thêm nhiều những bạn trẻ đam mê nghề cắt tóc mà vì lý do gì đó chưa được đến với nghề, hãy mạnh dạn đến tiệm của tôi. Tôi sẽ truyền nghề hoàn toàn miễn phí, giúp các bạn có một nghề vững vàng để lập nghiệp” - anh Lê Văn Vững gửi gắm thông điệp.