Trở về để hoàn thành ước mơ
Ngày còn là một cậu học sinh cấp 2, Trương Thanh Tùng đã bị mê hoặc khi nhìn thấy những chất mới được tạo ra từ phản ứng hóa học. Tùng đã quyết định chọn môn Hóa học và đi theo hóa dược với mong muốn trở thành một dược sỹ, sáng tạo ra những loại thuốc mới để có thể cứu chữa được cho nhiều người bệnh. Khi tốt nghiệp Trường Đại học Dược Hà Nội, Trương Thanh Tùng đã có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế và được bảo hộ toàn cầu. Anh chia sẻ, công trình nghiên cứu được công nhận và bảo hộ giúp anh tin tưởng rằng có thể nghiên cứu khoa học được và nghiên cứu khoa học có thể là thế mạnh của mình.
Với sự hỗ trợ của Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hải Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội và thành tích sẵn có, Trương Thanh Tùng đã có được cơ hội tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học tại nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Hoa Kỳ và tại châu Âu. Khi 33 tuổi, Trương Thanh Tùng đã có 28 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học, trong đó có 26 công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế. Điều bất ngờ là khi đã có trong tay bằng cấp, kinh nghiệm, cùng nhiều lời mời làm việc tại nước ngoài, anh đã lựa chọn quay về quê hương Việt Nam để thực hiện ước mơ là tìm và chế tạo ra những loại thuốc Make in Việt Nam.
Trương Thanh Tùng kể lại, tại thời điểm 2 năm trước, anh đã đặt cho mình các câu hỏi: Đã sẵn sàng để trở về Việt nam hay chưa? Đã tích cóp đủ kinh nghiệm để trở về quê hương thực hiện ước mơ hay không? Việt Nam mình có thể nghiên cứu và phát triển dược phẩm được không? Nghiêm túc suy nghĩ và cân nhắc mọi khó khăn, thuận lợi, khi câu trả lời là “có”, Trương Thanh Tùng đã nhanh chóng trở về Việt Nam. Đồng thời, 2 năm trước, bản thân anh đã nhận định đây chính là thời điểm vàng để quay lại Việt Nam bởi đam mê của anh là nghiên cứu thuốc chữa bệnh truyền nhiễm mà trong lĩnh vực này, làm việc tại Việt Nam còn nhiều cơ hội hơn ở nước ngoài.
Anh cho biết: Ở Hoa Kỳ và nhiều các nước châu Âu, người ta quan tâm đến việc điều chế những thuốc chữa bệnh mang lại nguồn lợi lớn như thuốc chữa ung thư. Còn ở Việt Nam, bệnh truyền nhiễm và vấn đề kháng kháng sinh lại phổ biến hơn. Vì vậy, việc trở lại Việt Nam để nghiên cứu về những loại thuốc thay thế kháng sinh cũng như thuốc chống virus là lựa chọn phù hợp với nguyện vọng cũng như hướng nghiên cứu mà Trương Thanh Tùng theo đuổi.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Dương Thị Ly Hương, Phó Trưởng khoa Dược, Đại học Phenikaa nơi Trương Thanh Tùng đang làm việc nhận xét: Anh là một người tâm huyết với nghiên cứu khoa học. Mặc dù nhận được nhiều lời mời làm việc từ các công ty, doanh nghiệp, viện nghiên cứu nước ngoài, Trương Thanh Tùng vẫn về Việt Nam với mong muốn làm được điều gì đó có ích cho đất nước, đây là điều đáng trân trọng ở một tiến sỹ trẻ tuổi, tài năng.
Vượt khó, tìm hướng đi mới
Ngày về Việt Nam, khi bắt đầu công việc theo hướng nghiên cứu mới thì khó khăn là không thể tránh khỏi. Ở trong nước, hầu hết mọi loại thuốc, kể cả thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị đều phải nhập nguyên liệu hóa dược từ nước ngoài. Việc sản xuất những nguyên liệu đó không diễn ra ở Việt Nam mà diễn ra ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ. Khó khăn lớn nhất để tiến hành công việc nghiên cứu dược phẩm là trang thiết bị của Việt Nam thiếu thốn. Nhớ lại ngày về Việt Nam, đối diện với phòng thí nghiệm (phòng Lab) trống không – không khỏi khiến Trương Thanh Tùng lo lắng. May mắn thay, anh nhận được lời mời về làm việc tại Trường Đại học Phenikaa; nhà trường đã tài trợ, đầu tư dần dần các thiết bị nghiên cứu để anh và nhóm nghiên cứu tại Khoa Dược, thực hiện những bước đầu tiên trong công đoạn nghiên cứu thuốc.
“Sau một thời gian, tôi đã tự tìm được cách thích nghi với điều kiện ở Việt Nam, tức là nghiên cứu theo phương pháp của nước ngoài bằng những trang thiết bị của Việt Nam được tận dụng linh hoạt. Nhóm nghiên cứu của tôi đã nỗ lực biến khó khăn thành thuận lợi bằng cách Việt Nam hóa các trang thiết bị để đạt được thành công trong nghiên cứu”, Trương Thanh Tùng cho biết.
Một điểm vô cùng may mắn nữa là trong thời gian học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, Trương Thanh Tùng đã được chọn là thành viên ban biên tập của một số tạp chí quốc tế hàng đầu chuyên ngành dược. Nhờ đó, anh làm quen và có mối liên hệ thường xuyên với nhiều Giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực dược. Mạng lưới những nhà khoa học nổi tiếng thế giới được Trương Thanh Tùng xây dựng trong thời gian qua đã hỗ trợ những việc quan trọng, đặc biệt là việc thử nghiệm miễn phí dược phẩm mà nhóm nghiên cứu tìm ra.
Trước đó, Trương Thanh Tùng đã tham gia nghiên cứu thuốc chống lại các bệnh truyền nhiễm do virus, trong đó có thuốc điều trị HIV/AIDS. Qua nghiên cứu, anh nhận thấy, việc tìm ra được thuốc chống lại bệnh truyền nhiễm sẽ đem lại lợi ích nhiều nhất cho cộng đồng, bởi loại bệnh này khi đã phát ra thì số lượng người mắc rất nhiều. COVID-19 là một minh chứng rõ nét nhất. “Nếu nghiên cứu thuốc cho bệnh truyền nhiễm thành công, điều đó có nghĩa là nhiều người sẽ có cơ hội được cứu chữa hơn”- Trương Thanh Tùng chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều nghiên cứu, bước đầu nhóm nghiên cứu của Trương Thanh Tùng đã tìm ra được một số dược phẩm có thể thay thế được kháng sinh. Như vậy, những người bị kháng kháng sinh có thể dùng được loại thuốc này để điều trị bệnh. Ngoài ra, Trương Thanh Tùng đã có một số thành công trong công trình thuốc kháng virus đã thử nghiệm trên virus HIV. Thời gian tới, nhóm của anh sẽ chuyển những nghiên cứu này về để ứng dụng trên những virus khác, trong đó có cả SARS-CoV-2...
Tối 26/3/2022, Trương Thanh Tùng sẽ vinh dự được trao Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng 2021 trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Đây vừa là kết quả cho những thành công mà anh vượt khó đạt được, đồng thời cũng là động lực để anh tiếp tục với đam mê của mình.
Trương Thanh Tùng chia sẻ, khát vọng dài hơi của nhóm anh là sẽ sản xuất ra thuốc Make in Việt Nam để đưa đến tận tay người dân. Thuốc do người Việt Nam tổng hợp dược liệu, sản xuất cung ứng và làm chủ quy trình công nghệ ở trong nước. Còn mục tiêu trong 5-10 năm tới của anh là xây dựng được nhóm nghiêm cứu chất lượng của Việt Nam. Nhóm nghiên cứu của anh là số ít những nhóm tại Việt Nam đang nghiên cứu thuốc. Vì thế, tham vọng của nhóm không phải chỉ là nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được biết đến trên thế giới. Vị tiến sỹ trẻ bày tỏ quyết tâm: "Chúng tôi sẽ cùng nhau để có những công trình tầm cỡ thế giới để các nhà khoa học quốc tế, công ty dược toàn cầu tìm đến Việt Nam để mua công nghệ. Lúc đó, nước ta sẽ có thể ghi tên mình lên bản đồ những quốc gia chủ động sản xuất được nguồn dược liệu quan trọng".