Chỉ sau một đêm, gia đình ông La Ngọc Lâm (Khối 1, thị trấn Mường Xén) gần như trắng tay. Dù đã 73 tuổi nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy sự khủng khiếp của lũ quét. Toàn bộ tài sản của gia đình ông đã bị dòng lũ cuốn trôi. Lũ rút, căn nhà cấp 4 của gia đình ông tràn ngập đất đá. Ông Lâm chia sẻ, lũ quét đã cuốn trôi tất cả, nhưng may mắn mình thoát chết. Từ mấy ngày nay, các chiến sĩ Cảnh sát cơ động, bộ đội Quân khu 4 liên tục được tăng cường giúp bà con dọn dẹp vệ sinh. Nếu không có sự giúp đỡ đó, gia đình ông không biết phải xoay xở thế nào.
Căn nhà cấp 4 nằm ngay cạnh khe Huồi Giảng của gia đình anh Lô Văn Bảy (bản Hoa Sơn, xã Tà Cạ) chẳng còn gì giá trị. Trận lũ quét rạng sáng 2/10 đã cuốn phăng tất cả. Nhìn căn nhà trơ trọi bên dòng khe còn cuồn cuộn nước lũ anh Bảy nhớ lại. Khoảng 2 giờ ngày 2/10, tiếng đất đá cuốn theo dòng lũ làm gia đình anh thức giấc. Vợ chồng anh chỉ kịp bỏ chạy thoát thân. Nước rút dần, để lại cảnh tượng hoang tàn, đất cát vùi lên gần 1 mét, những viên đá đường kính nửa mét nằm giữa nhà. Mấy hôm nay lực lượng bộ đội, công an liên tục cứu trợ nhu yếu phẩm, nước sạch cho nhân dân. Sẽ mất nhiều thời gian để cuộc sống quay lại bình thường nhưng có các anh, bà con yên tâm hơn.
Ngay sau trận lũ chính quyền địa phương đã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ kịp thời ứng cứu, cung cấp các nhu yếu phẩm giúp người dân khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, với khối lượng đất đá khổng lồ tại những nơi trận lũ đi qua, ngày 3/10, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An đã điều động 150 cán bộ, chiến sĩ; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An điều động gần 60 cán bộ, chiến sĩ. Công an tỉnh Nghệ An điều động 50 cán bộ, chiến sĩ tăng cường đến Kỳ Sơn.
Đại tá Dương Minh Hiền, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi nắm thông tin về trận lũ quét, lũ ống xảy ra tại xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ thuộc Ban Chỉ huy dân quân tự vệ, Trung đoàn 764, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với chính quyền và nhân dân kịp thời giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống. Khó khăn lớn nhất trong công tác khắc phục hiện nay là lượng đất đá đổ về quá lớn, máy móc không vào được vùng sâu, vùng xa nên chủ yếu là sử dụng sức người, sẽ mất nhiều ngày mới xong. Hiện nay, nước đã rút, đơn vị tranh thủ mọi thời gian, với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục đến đó”.
Theo Thượng tá Trần Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh, ngoài lực lượng tại chỗ gồm Công an huyện và Công an xã, Công an tỉnh Nghệ An đã tăng cường gần 200 cán bộ, chiến sĩ. Lãnh đạo Công an tỉnh trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục. Công an tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, máy móc và tham mưu các cấp chính quyền hỗ trợ phương tiện để khắc phục hậu quả.
Cũng trong sáng 4/10, đoàn công tác của Công an Nghệ An do Thiếu tướng Phạm Thế Tùng, Giám đốc Công an tỉnh dẫn đầu đã trực tiếp thăm hỏi, chia sẻ khó khăn, mất mát của bà con vùng bị thiệt hại do lũ quét tại huyện Kỳ Sơn. Đoàn đã trực tiếp kiểm tra điểm có nguy cơ sạt lở cao tại bản Hòa Sơn và trao 2 tấn gạo, 200 suất quà cho các hộ ở xã Tà Cạ, bị thiệt hại nặng nề do lũ quét.
heo báo cáo mới nhất của UBND huyện Kỳ Sơn, trận lũ quét làm 1 người chết; 232 nhà bị thiệt hại, trong đó 55 nhà bị trôi và sập hoàn toàn; 141 nhà bị ngập, sạt lở và hư hỏng nặng; 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, trận lũ quét còn cuốn trôi 7 phòng trọ, 1 gian bán hàng quán của người dân. Tổng thiệt hại về tài sản ước tính hơn 100 tỷ đồng. Công việc tái thiết chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian và công sức, thế nhưng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, công an dầm mình trong mưa giúp dân vượt qua mưa lũ sẽ mãi khắc ghi trong lòng nhân dân, là “sợi dây” thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết quân dân.