Từ nồi cháo bệnh viện tới những suất quà cho bà con nghèo, người dân khu cách ly

Với thông điệp “Hạnh phúc là sẻ chia”, Nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn” gồm 200 thành viên là tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, không quản ngại ngày đêm để giúp đỡ người lao động nghèo, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là những trường hợp bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Trao quà cho người khiếm thị. Ảnh: NVCC.

“Vitamin” cháo yêu thương và những gắn kết “ngỡ ngàng”

Nói đến Nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn”, nhiều người còn gọi với cái tên trìu mến “Nhóm cháo” hay “Nhà cháo”. Suốt hành trình 5 năm qua, cứ đều đặn mỗi tuần 3 lần, những nồi cháo ngon thơm phức lại được các tình nguyện viên nấu gửi tặng miễn phí cho các bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Phổi, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đống Đa và Bệnh viện Nội tiết.... Với các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, bát cháo nóng không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà còn là “vitamin” yêu thương của tấm lòng sẻ chia, giúp các bệnh nhân có thêm động lực, lạc quan hơn trong cuộc sống. 

 

Chú thích ảnh
Món quà tuy nhỏ nhưng ấm lòng gửi tới người dân bị ảnh hưởng của đại dịch.

"Khi nhận được bát cháo, bác khóc. Bác nói rằng, ở nhà cũng chưa bao giờ được ăn bát cháo ngon đến vậy. Sau một thời gian, bác mất. Trước khi nhắm mắt, bác dặn người nhà là thỉnh thoảng, nếu có điều kiện thì phát tâm, đóng góp tiền để duy trì nồi cháo thiện nguyện, giúp thêm nhiều người khó khăn khác" - câu chuyện của một cụ ông từng nhận các suất cháo thiện nguyện của Nhóm, khiến chị Thành Thị Thu Lương, sinh năm 1976 - Trưởng nhóm thiện nguyện “Mùa Thu và những người bạn” xúc động mãi.

5 năm phát cháo ở các bệnh viện, nhiều bệnh nhân đã coi Thu Lương và các thành viên Nhóm thiện nguyện như người nhà. Thậm chí, có những bệnh nhân khi mất, Nhóm còn mang cháo về tận nơi để thắp hương. Những người vốn chẳng phải họ hàng thân thích nhưng lại đối xử với nhau bằng tình yêu thương sâu sắc. Cũng từ đó, nhiều người là người nhà của bệnh nhân, sau khi được Nhóm giúp đỡ đã quay trở lại xin gia nhập Nhóm thiện nguyện như trường hợp của chị Đào Thị Trang Nhung (Hà Nội). 

Chú thích ảnh
Người lao động bị kẹt lại thủ đô trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 được Nhóm "Mùa Thu và những người bạn" giúp đỡ nhu yếu phẩm. Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, chị Đào Thị Trang Nhung cho biết: “Bố chồng tôi từng điều trị ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Ông rất mê cháo nấu của Nhóm Mùa Thu. Sau khi ông mất, tôi đã xin tham gia làm tình nguyện viên của Nhóm”. Theo các thành viên của Nhóm thiện nguyện, chị Trang Nhung hiện là một trong số các tình nguyện viên hoạt động rất tích cực, hiệu quả, vận động được nhiều sự đóng góp của các nhà hảo tâm. 

Câu chuyện khiến nhiều người xúc động còn là trường hợp của anh Nguyễn Huy Anh, thành viên rất nhiệt tình của Nhóm "Mùa Thu và những người bạn". Dù bị khuyết tật, sức khỏe yếu nhưng suốt mấy năm qua, Huy Anh đã chở rất nhiều chuyến hàng từ thiện của Nhóm thiện nguyện bằng chiếc xe ba gác thân thuộc của mình. “Tôi và Thu Lương cùng là nhóm bạn trong Group 91-94 (những người học cấp 3 khóa 1991-1994 tại Hà Nội). Năm 2017, Thu Lương điện cho tôi nhờ chở đồ. Sau đó, tôi biết được các hoạt động ý nghĩa của nhóm Cháo nên xin gia nhập đội từ thiện. Đợt dịch này bùng phát mạnh, sức khỏe không đảm bảo nên tôi ở nhà, hỗ trợ nhóm các công việc khác”, anh Nguyễn Huy Anh cho biết.

Chú thích ảnh
Bà con thành phố Việt Trì, Hội CTĐ Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ủng hộ nông sản cho người dân thủ đô. Ảnh: NVCC.

“Dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã làm đảo lộn tất cả. Một số hoạt động như: Nấu, phát cháo miễn phí; hiến máu nhân đạo; hoạt động tri ân liệt sỹ; xây trường học… đều phải tạm ngưng”, anh Minh Toàn, một trong những tình nguyện viên chủ lực của Nhóm cho biết. 

Trong những ngày dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nhiều người nghèo, người vô gia cư... gặp khó khăn. Nhóm “Mùa Thu và những người bạn” dồn lực kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để có ngân sách mua các nhu yếu phẩm phát cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn.  Nhóm đã nhận được tình cảm yêu thương, sự đồng hành của bà con nông dân TP Việt Trì và huyện Yên Lập tỉnh Phú Thọ trong việc gửi 12 tấn lương thực, rau củ quả lên Hà Nội để nhờ Nhóm trao tặng cho những người lao động nghèo trong khu vực bị phong tỏa, cách ly. “Việc làm vô cùng ý nghĩa này đã chạm đến trái tim của nhiều người dân đất Hà Thành”, chị Thu Lương cho biết. Chỉ chưa đầy 8 tiếng, hơn 200 suất quà đã được trao đến các địa chỉ có nhu cầu thiết thực.

Trong tháng 8/2021, cùng với sự giúp đỡ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ các cấp và các mạnh thường quân, Nhóm thiện nguyện cũng đã trao tặng hơn 1.000 suất quà gồm: Gạo, rau, củ quả, nhu yếu phẩm cho những người đặc biệt khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch, những lao động nghèo mất việc không kịp về quê tại quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Trì... “Giá trị mỗi suất quà không nhiều nhưng đã phần nào trợ giúp, động viên tinh thần kịp thời tới nhiều người dân Hà Nội. Những giọt nước mắt cảm động của bà con khi nhận được quà khiến chúng tôi thấy nghẹn ngào, sống mũi cay cay và tự nhủ, mình vẫn còn hạnh phúc hơn rất nhiều khi có cơm ăn, áo mặc trong lúc này”, chị Thu Lương trải lòng. Được nhà tài trợ Văn Quân giúp đỡ, Thu Lương và một số anh em trong Nhóm lại ngược xuôi chở hàng tạ rau phát miễn phí cho bà con phường Văn Chương, quận Đống Đa (Hà Nội) trong giai đoạn bị phong tỏa, sau khi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19. 

Chú thích ảnh
Nhóm thiện nguyện "Mùa Thu và những người bạn" đã quyên góp, xây dựng nhà chống lũ cho bà con miền Trung. Cuối tháng 6/2021, Nhóm đã bàn giao 12 căn nhà vượt lũ tặng bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại huyện Minh Hóa, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: NVCC.

“Cùng với chuyển hàng nhu yếu phẩm được chuyển vào khu cách ly Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), chúng tôi còn đi sâu vào ngõ Lương Sử, phố Quốc Tử Giám để phát thực phẩm. Khi nhận được gói quà có cả thịt lợn, có người dân rất xúc động nói rằng, hơn 1 tháng nay, gia đình chỉ ăn mì tôm, cơm không có thức ăn vì cạn kiệt nguồn tiền”, anh Minh Toàn cho biết.

Dịch bệnh căng thẳng khiến cuộc sống của nhiều người dân bị xáo trộn. Những người khuyết tật, người khiếm thị, họ còn khó khăn gấp bội lần. Anh Minh Toàn kể: “Đợt trao quà cho những người dân khiếm thị quận Hai Bà Trưng mới đây, Nhóm phải đến tận nhà để trao nhu yếu phẩm. Có những khu vực lập chốt, không được vào, nhiều người khiếm thị không có điện thoại nên chúng tôi gặp khó khăn khi gửi quà. Mặc dù có khoảng 150 suất quà nhưng chúng tôi chỉ trao được gần 100 suất”. 

Trong 5 năm qua, Nhóm “Mùa Thu và những người bạn” đã lan tỏa sự yêu thương tới nhiều người dân khốn khó. Tuy nhiên để có thể duy trì các hoạt động thiện nguyện như ngày nay phải kể đến sự chung sức và tấm lòng thảo thơm của hàng trăm tình nguyện viên và các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Trong đó phải kể đến công sức của bà Nguyễn Thị Nhung (57 tuổi, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội). Nếu như người khác, với căn nhà mặt phố, gia đình bà Nhung có thể cho thuê cửa hàng để kinh doanh kiếm lời nhưng bà Nhung đã cho Nhóm thiện nguyện mượn để nấu cháo và cũng là địa chỉ hoạt động của Nhóm tại số 157 Lạc Nghiệp, Hai Bà Trưng, Hà Nôi.

“Đến bây giờ, chúng tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nếu không có địa điểm nấu cháo, chắc chắn Nhóm không thể duy trì các hoạt động hiệu quả như hiện nay”, chị Thu Lương tâm sự. Theo Nhóm thiện nguyện "Mùa Thu và những người bạn", bà Nhung còn được nhiều người biết đến khi hơn 30 năm qua đã cưu mang nhiều mảnh đời khó khăn, trong đó có những trẻ tự kỷ để giúp họ vươn lên trong cuộc sống. 

Bán hàng online, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con để gây Quỹ

Chú thích ảnh
Anh Nguyễn Huy Anh, thành viên tích cực của Nhóm thiện nguyện "Mùa Thu và những người bạn" chung tay bán hàng online cùng Thu Lương để dành toàn bộ lợi nhuận gây Quỹ từ thiện hoạt động lâu dài. Ảnh: MP.

“Em đang tìm cách để cày tiền đong gạo tặng bà con nghèo đây ạ. Chi nhiều quá mà nguồn thu có giới hạn. Mong được cả nhà ủng hộ - vừa cải thiện bữa ăn cuối tuần lại được lan tỏa yêu thương”, chị Thu Lương chia sẻ trên Facebook khi rao bán thực phẩm online. 

Theo Chị Thu Lương, 2021 là năm thứ 3, nhóm Cháo được Thầy chủ trì Chùa Khuê Linh giao nhiệm vụ thu hoạch củ sen của Chùa để bán gây quỹ. Số tiền thu được, sau khi trả chi phí cho thợ đánh củ, sẽ được dành để xây Chùa, xây trường và Quỹ hỗ trợ các địa chỉ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhóm thiện nguyện tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con bị ảnh hưởng của đại dịch. Có thời điểm, chỉ trong vòng 3 ngày, nhờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, 10 tấn bí thơm của bà con Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã được tiêu thụ hết. Ảnh: NVCC.

Trên mạng xã hội, chị Lương rao bán các mặt hàng như: Nhãn, vịt quay, lợn quay, rau củ… Trước khi dịch chưa bùng phát, các thực phẩm sạch từ khắp mọi miền như: Bí xanh, dưa lê, nước ép hoa quả... đến bảo hiểm xe máy cũng được chị kiêm nhiệm bán. 200 thành viên của Nhóm thiện nguyện có quê ở khắp các tỉnh, thành, mùa nào thức ấy, đến mùa đặc sản vùng nào, chị Lương lại gom hàng về để kinh doanh. Toàn bộ tiền lợi nhuận được đưa vào Quỹ để làm từ thiện. Đơn cử chỉ trong tháng 5/2021, chị Thu Lương và Nhóm thiện nguyện đã bán được hơn 3 tấn bí xanh, 3 tạ bơ, 3 tạ dưa lê và 250 suất bảo hiểm xe máy. Số tiền lãi hơn 23 triệu được chuyển vào Quỹ để gom góp xây trường cho trẻ vùng cao.

Từng vay nợ để xây trường học ở vùng cao

Ngoài hoạt động phát cháo từ thiện, dưới sự chỉ dẫn của chị Thu Lương, Nhóm còn hỗ trợ vật chất và tinh thần đối với những cặp vợ chồng hiếm muộn; tổ chức xóa trường tạm, xây mới các điểm trường, tặng quà, học bổng cho các học trò nghèo vùng cao.

Trong một lần, Thu Lương và các thành viên có chuyến khảo sát một số ngôi trường tại huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) vào năm 2019, tận mắt chứng kiến những đứa trẻ nằm trên tấm gỗ ghép lại thành giường, mái nhà dột nát được căng tạm bằng bạt, mọi người không kìm được cảm xúc. 

Thông thường, kinh phí để xóa 1 điểm trường tạm bợ sẽ mất khoảng 500 triệu đồng. Thay vì dự kiến ban đầu là xây 1 điểm trường mới, chị đã có quyết định "liều lĩnh" là vay nợ ngân hàng để xây 2 điểm trường với một ngôi nhà lưu trú 120m2 có đầy đủ trang thiết bị, nhà vệ sinh cho 80 học sinh Trường liên cấp xã Bản Máy; quyên góp tiền để cải tạo, nâng cấp Trường mầm non Hợp Thượng với 3 lớp học; cải tạo phòng nghỉ trưa, bếp, nhà vệ sinh cho trường học tại xã Sán Sả Hồ ở huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang... Quyết định vay 500 triệu đồng được Thu Lương gọi vui là "mệnh lệnh của trái tim". Nhờ công việc kinh doanh online thuận lợi và sự đóng góp, chung tay của bạn bè, sau gần 1 năm, Thu Lương đã trả gần đủ số tiền vay nợ.

 “Trong 2 năm 2018 – 2019, Nhóm thiện nguyện đã xây mới, sửa chữa được 4 điểm trường trị giá gần 2 tỷ đồng. Nhóm còn vận động hỗ trợ cho hơn 60 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 500.000 đồng/tháng, trường hợp đặc biệt khó khăn, nhận được trợ giúp 1.000.000 đồng/tháng”, anh Minh Toàn chia sẻ.

Dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng sự tử tế, tình yêu thương của những con người làm việc thiện nguyện như Nhóm "Mùa Thu và những người bạn" vẫn liên tục được kết nối, lan tỏa và mang lại sự ám áp cho những mảnh đời khốn khó, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để cùng nhau quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Chú thích ảnh
Bài: Minh Phương/Báo Tin tức
Vì từng hơi thở của bệnh nhân COVID-19 
Vì từng hơi thở của bệnh nhân COVID-19 

“Mỗi đường link buồn về tình hình dịch bệnh, mỗi bức ảnh đau thương hiển thị… chúng tôi lại bảo nhau cố gắng hơn, mạnh mẽ hơn. Thời gian tính bằng sinh mệnh nên không đủ chỗ cho nỗi buồn, nước mắt…”, nhà báo Trần Mai Anh - người mẹ của “chú lính chì” Thiện Nhân từng làm chấn động xã hội ngay từ khi còn đỏ hỏn, trải lòng với phóng viên báo Tin tức về Chiến dịch “Giữ từng nhịp thở” của Quỹ Hạt vừng. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN